Hà Nội dự kiến giảm 61 xã, phường (tại 20 quận, huyện) sau sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025. Khi đó, trên địa bàn thành phố còn 518 đơn vị hành chính cấp xã.
Sáng 25/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì phiên họp trực tuyến UBND thành phố tháng 4/2024 để xem xét một số nội dung theo chương trình công tác năm 2024.
Tại phiên họp, tập thể UBND thành phố đã biểu quyết thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố.
Báo cáo tại phiên họp, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết, thành phố giữ nguyên đơn vị hành chính cấp huyện là 30 đơn vị, gồm 12 quận, 17 huyện, 1 thị xã.
Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 579 xã, phường, thị trấn. Sau sắp xếp còn 518 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 337 xã, 160 phường, 21 thị trấn). Số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm do sắp xếp là 61 đơn vị, gồm 46 xã, 15 phường tại 20 quận, huyện, thị xã.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, có 924.677 cử tri cho ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn thành phố. Trong đó, số cử tri đồng ý về việc sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn thành phố đạt tỷ lệ 97%; tổng số cử tri đồng ý về tên gọi đơn vị hành chính mới sau sắp xếp trên địa bàn thành phố đạt tỷ lệ 96,54%.
Sau khi có kết quả tổng hợp lấy ý kiến cử tri, HĐND các cấp đã tổ chức kỳ họp chuyên đề thảo luận, biểu quyết và thông qua nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn.
Trong đó, có 87 xã và 5 thị trấn đã tổ chức kỳ họp chuyên đề, tỷ lệ đại biểu HĐND tham dự kỳ họp đồng ý tán thành chủ trương đạt 100%; có 20 quận, huyện, thị xã đã tổ chức kỳ họp chuyên đề, tỷ lệ đại biểu HĐND tham dự kỳ họp đồng ý tán thành chủ trương đạt 100%.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá cao đề án đã được chuẩn bị chu đáo, kỹ càng, xác định khá toàn diện những vấn đề cần điều chỉnh, xử lý khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố cũng lưu ý các sở, ngành và quận, huyện, thị xã cần ứng trực, xử lý kịp thời, nhanh gọn, hiệu quả các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân và doanh nghiệp; không được để xảy ra tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu trong thực hiện các thủ tục hành chính.
Về công tác cán bộ sau sắp xếp đơn vị hành chính, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu thực hiện, vận dụng theo nguyên tắc lắng nghe, đáp ứng nguyện vọng về công việc theo quy định, không để nảy sinh tâm tư, thiệt thòi đối với đội ngũ cán bộ dôi dư.
3 huyện chờ lên quận chưa sáp nhập 9 xã
Theo phương án 01 của UBND TP Hà Nội, kết quả sau sắp xếp sẽ giữ nguyên đơn vị hành chính cấp huyện; số lượng đơn vị hành chính cấp xã dự kiến giảm từ 579 đơn vị xuống còn 509 đơn vị, giảm 70 đơn vị.
Tuy nhiên, 3 huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì không thực hiện sắp xếp trong giai đoạn này, sẽ thực hiện trong Đề án xây dựng huyện lên quận trong thời gian tới. Do vậy, số lượng đơn vị hành chính cấp xã dự kiến giảm 61 đơn vị.
Phường Quốc Tử Giám và phường Văn Miếu sáp nhập thành phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám, sáp nhập 3 xã Cao Thành, Sơn Công và Đồng Tiến thành xã Cao Sơn Tiến là phương án đang được tính toán…
Do không đảm bảo diện tích, dân số, trên địa bàn TP Hà Nội sẽ có 70 xã, phường phải sáp nhập. Sau khi đề án sắp xếp đơn vị hành chính được thông qua, cơ quan chuyên môn sẽ xuống từng thôn, tổ dân phố giúp người dân thay đổi giấy tờ miễn phí.
Khi sáp nhập 2-3 xã, phường làm 1, nếu giữ lại tên một đơn vị hành chính cũ sẽ giảm được số người dân phải thay đổi thông tin trên các giấy tờ; còn khi lấy ý kiến “không ai chịu ai”, phải đặt tên mới, tất cả phải sửa giấy tờ.