Chiều nay (20/9), Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã chủ trì cuộc họp thông tin về các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của TP.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP, qua các đợt giãn cách, bằng việc tổ chức xét nghiệm để nhanh chóng bóc tách ca mắc ra khỏi cộng đồng nên số ca mắc tại cộng đồng giảm liên tục. TP đang kiểm soát tốt tình hình dịch. 

{keywords}
Đường phố Hà Nội trước ngày giãn cách. Ảnh: Phạm Hải

Hiện nay, TP đã điều chỉnh một số biện pháp phòng chống dịch tại một số quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn không có ca bệnh mắc mới tại cộng đồng (vùng xanh), người dân đang thu hoạch vụ mùa, cơ sở kinh doanh, dịch vụ đã hoạt động trở lại từ 12h ngày 16/9 như: Cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; Cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21h hàng ngày.

Về nhiệm vụ thời gian tới, TP tiếp tục chỉ đạo việc sàng lọc bằng xét nghiệm đối với các khu vực nguy cơ rất cao và nguy cơ cao; thực hiện công tác xét nghiệm sàng lọc đối với nhóm đối tượng có nguy cơ cao như chuỗi cung ứng, người giao hàng...

Phân loại mức độ nguy cơ để có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo nguyên tắc “bảo vệ vững chắc vùng xanh”, “xanh hóa vùng vàng”, “thu hẹp vùng đỏ”.

Tiếp tục rà soát tiêm vét mũi 1 vắc xin phòng Covid-19 cho người dân từ trên 18 tuổi trở lên chưa tiêm hoặc hoãn tiêm, tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 trên cơ sở số vắc xin được phân, giao của Bộ Y tế.

Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát ra vào TP sau khi TP hết thời gian áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng để kiểm soát dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào TP…

{keywords}
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng. Ảnh: X.Hải

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho biết, về mục tiêu thời gian tới, TP có điều chỉnh nới lỏng 1 số hoạt động, ưu tiên hàng đầu đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, tiếp tục kiểm soát tình hình dịch trên địa bàn TP, phấn đấu hoàn chỉnh tiêm mũi 2 vắc xin...

Ông Dũng cho hay, về nguyên tắc, TP sẽ không áp dụng quy định phân vùng, không áp dụng việc cấp giấy đi đường với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp di chuyển trên địa bàn TP; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch và quản lý giám sát di biến động trên địa bàn TP.

Theo ông Dũng, nguyên tắc tiếp theo là không phát sinh thủ tục hành chính với cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn TP.

Ông cũng khẳng định, trong quá trình triển khai, TP phân cấp, ủy quyền cho các sở ngành, địa phương tiếp tục hướng dẫn các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để thực hiện tốt nhất việc phục hồi sản xuất kinh tế, kinh doanh dịch vụ đảm bảo quy định an toàn phòng chống dịch.

Tiếp tục duy trì việc phong tỏa hẹp, quản lý chặt các điểm phong tỏa trên địa bàn TP và đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin đẩy nhanh việc truy vết.

Hà Nội sẽ điều chỉnh các hoạt động tại các khu vực ổ dịch, các khu vực có nguy cơ cao, khu vực cách ly và phong tỏa cũng như điều chỉnh các hoạt động trên địa bàn, bám sát thực tiễn một cách hết sức linh hoạt giữa các Chỉ thị 15, 16, 19 trên địa bàn TP.

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội

Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, sau ngày 21/9, việc nới lỏng một số hoạt động vẫn phải đảm bảo công tác phòng chống dịch, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, đời sống người dân. 

“Với dịch bệnh, Hà Nội xác định không thể nói trước được điều gì, vì thành phố vẫn còn nguy cơ. Hiện thành phố vẫn còn F0 ngoài cộng đồng, do xét nghiệm 2 - 3 ngày/lần phát hiện ra. Chúng ta phải chung sống một cách chủ động, an toàn với Covid-19”, ông Phong nói.

Theo Phó Bí thư Hà Nội, nguy cơ với TP phải đặt chung trong bối cảnh với các địa phương khác, nguồn bệnh lây từ bên ngoài vào vẫn rất cao. Chỉ thị mới do UBND TP ban hành sẽ cho 2 tuần tiếp theo, nhưng căn cứ vào thực tiễn TP có thể sẽ điều chỉnh linh hoạt.

“Một nguy cơ mà chúng tôi đánh giá sẽ rất khó khăn là tinh thần, tư tưởng chủ quan của người dân, như lò xo bị nén suốt mấy tháng nay, khi mở ra rất dễ quá đà trong khi nguy cơ vẫn rất cao. Kết quả chống dịch có bền vững hay không phụ thuộc vào ý thức chấp hành của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn”, ông Phong bày tỏ.

Phó Bí thư Hà Nội cũng nhấn mạnh việc khai báo y tế thường xuyên là vấn đề đặc biệt quan trọng, vì vẫn có những ca ho sốt không khai báo, khi tới viện mới phát hiện ra.

Hiện Hà Nội đã tiêm được 94,2% mũi 1 với người trên 18 tuổi, nhưng trạng thái thành phố vẫn chưa thể về “bình thường mới”, vì mũi 2 mới đạt tỷ lệ 12%. Trong khi Bộ Y tế quy định, muốn trở về “bình thường mới”, phải trên 70% mũi 1 và trên 20% mũi 2.

Ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn còn, chưa thể lạc quan có thể mở cửa ngay.

Ông Phong cho biết, trên cơ sở lượng vắc xin phân bổ của Bộ Y tế, thành phố phấn đấu tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho người dân thành phố theo kế hoạch.

"Phấn đấu phủ mũi 2 cho toàn dân vào nửa đầu tháng 11. Trên cơ sở đó tính toán cho các cháu quay trở lại học tập", ông Phong nói.

Hương Quỳnh

Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì 23 chốt kiểm soát cửa ngõ

Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì 23 chốt kiểm soát cửa ngõ

Theo Phó Chủ tịch Hà Nội Dương Đức Tuấn, kinh nghiệm thực tế cho thấy việc nới lỏng phải đi kèm với kiểm soát chặt chẽ. TP sẽ tiếp tục duy trì 23 chốt kiểm soát ở cửa ngõ.