- Lo lắng về tình trạng ngập lụt trong những ngày mưa lớn sắp tới do ảnh hưởng bão số 2, không ít gia đình ở Thủ đô đã di tản sang nhà người quen ở nhờ. Trong khi đó, các bà nội trợ cũng đã nhanh tay sắm thêm thực phẩm, đồ khô với tâm lý “phòng là chính”.
Ngập lụt những ngày mưa lớn là nỗi ám ảnh của nhiều người dân Hà Nội. Nhà ở khu vực Kim Mã, Hà Nội gia đình anh Duyên (37 tuổi) phải liên tục tát nước bẩn từ trong nhà chảy ra ngoài mỗi khi trời mưa.
Tầng 1 của gia đình anh mở quán cà phê nhưng những ngày mưa đều phải dùng phản gỗ, bao cát để hạn chế nước vào nhà và thường xuyên túc trực cùng thau, chậu tát nước trên tay.
“Quán toàn nước bẩn thì lấy đâu ra khách vào”, anh than vãn.
Khác với anh Duyên, không ít gia đình lại đối phó với mưa ngập bằng cách “Cứ nghe tin thời tiết từ hôm trước, mưa to mưa nhỏ là cả gia đình lại ‘di cư’ sang nhà người thân”.
Vợ có bầu ở những tháng cuối nên anh Hà (Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy) rất lo việc đi lại của chị trong những ngày mưa lớn.
“Tôi làm ở khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) vợ làm ở Thái Hà (Đống Đa), nhà ở Cầu Giấy. Tuy nhiên những ngày mưa ở Cầu Giấy thường bị ngập. Có hôm vợ tôi đi xe máy đi làm bị chết máy không nhờ được người đẩy phải gửi xe rồi đi taxi về”.
Những ngày mưa sắp tới vẫn phải đi làm, anh Hà đã bàn với vợ về “tạm trú” ở nhà bố mẹ chồng (Thái Hà) vài ngày để tiện việc đi lại. Sau khi qua những ngày mưa bão 2 vợ chồng lại về nhà.
Người dân đội mưa đi mua thực phẩm trong ngày 17/7 |
Việc đưa đón con nhỏ đi học những ngày mưa cũng là nỗi lo lắng của nhiều phụ huynh. Chị Hải Anh nói: “Sáng 17/7, 3 mẹ con tôi đã phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ để đưa các con đến trường vì đường thì ngập, đường thì tắc. Đến được lớp thì cả mẹ lẫn con ướt như chuột lột. Sợ nhất là con ốm mà cho các con nghỉ học ở nhà cũng không yên tâm…”.
Nhiều chị ở cơ quan chị Hải Anh cũng gặp cảnh tương tự, có phụ huynh chở con bị sóng nước dâng cao xô ngã cả 2 mẹ con, quần áo, cặp sách ướt nhẹp đành phải quay trở về nhà.
Ngay sau buổi học chiều ngày 17/7, chị Hải Anh đã đón con về nhà ăn uống, dọn dẹp đồ đạc và chở 2 con sang nhà bà ngoại. Theo đó, nhà mẹ đẻ chị Hải Anh gần trường của các cháu, tuyến đường này không bị ngập lại dễ bắt taxi.
“Đề phòng nhiều ngày tới mưa tiếp tôi sẽ nhờ ông bà bắt taxi cho các cháu đến trường chứ ở nhà tôi vừa xa mà ngày mưa gió gọi được taxi cũng không phải là chuyện đơn giản”.
Những ngày mưa bão cũng khiến các kế hoạch du lịch nghỉ dưỡng của nhiều công ty, cơ quan tại miền Bắc bị ảnh hưởng.
Anh Lê Đức (Cầu Diễn, Từ Liêm) cho biết, công ty anh có kế hoạch đi du lịch Hạ Long 2 ngày 3 đêm vào ngày cuối tuần (18-19/7), tuy nhiên nghe tin có bão đổ bộ vào nên kế hoạch này đã bị hoãn lại.
Tương tự, kế hoạch đi du lịch Thung Nai, Hòa Bình vào cuối tuần của cơ quan chị Hiền (Hà Đông) cũng bị hủy.
“Biết là đi du lịch những tháng 7, 8 thường trúng ngày mưa gió vì đây là mùa mưa bão nhưng công ty mình có dự án đến tận bây giờ mới hoàn thành. Mọi người đã lên kế hoạch đi nhưng đành phải chấp nhận”, chị Hiền nói.
Tích trữ vì sợ "thổi" giá
Với tâm lý lo lắng ngày mưa lớn khó ra chợ để mua thực phẩm, sáng 17/7 dù Hà Nội đã đổ mưa chị Lê (Kim Mã, Ba Đình) đã chịu khó đội mưa đi mua thức ăn.
Chị nói: “Hôm nay mưa còn nhỏ nên cố đi mua đồ, ngày mai kia bão vào mưa lớn khó có thể ra khỏi nhà để mua sắm”.
Bà nội trợ này cũng mang số tiền đi chợ nhiều hơn mọi ngày. Những ngày trước có thể đi nhiều quầy để chọn quầy nào thực phẩm tươi, rẻ nhất để mua thì hôm nay phần vì mưa phần vì chợ đông khách chị nhanh chóng vào quầy thịt bò, thịt lợn mua để tránh hết hàng sau đó mới chuyển sang mua các loại rau, củ.
Thịt lợn, giò, chả, trứng...là sự lựa chọn của nhiều người khi mua đồ tích trữ |
Những ngày mưa gió việc ra khỏi nhà đến các quán bún, phở ăn sẵn cũng không phải là điều dễ dàng bởi vậy dù ít hay nhiều các bà nội trợ đều tích sẵn đồ ăn trong tủ lạnh.
Không chỉ lo trời mưa không đi chợ được nhiều người còn có tâm lý lo xa khi cho rằng các ngày mưa bão thực phẩm sẽ khan hiếm và bị đẩy giá nhanh chóng. Dù biết bị đội giá nhưng người mua chả ai muốn mặc cả còn tranh nhau mua vì khan hàng.
Chị Hoài (35 tuổi) - chủ quầy thịt ở chợ ngõ 127 Văn Cao, Ba Đình nói: “Bình thường khách chỉ mua 2, 3 lạng về ăn trong ngày thì mấy hôm nay nhiều người mua từ 1- 2, 3kg, chia nhỏ cho vào các túi để khách trữ trong tủ lạnh”.
Cẩn thận hơn nhiều người còn vào siêu thị sau giờ làm để mua thực phẩm. Các loại thực phẩm để dành được lâu dài như bắp cải, khoai tây, bí… được khá nhiều người chọn. Thịt hộp và đồ hải sản đông lạnh cũng là mặt hàng bán chạy ở siêu thị.
Nhiều người tranh thủ mua đồ khô như mì tôm, xúc xích, bánh mì, sữa...Ảnh chụp tại quầy tạp hóa 127 Văn Cao, Ba Đình |
Nhà chị Hà (Mễ Trì, Từ Liêm) gần siêu thị nên chiều thứ 7 hàng tuần chị đều đi siêu thị mua đồ ăn cho cả tuần, nhưng tuần này từ chiều thứ 5 tranh thủ đi làm về chị đã ghé luôn vào siêu thị mua sắm.
“Kinh nghiệm của mình là những hôm bão lũ thì nên ra siêu thị gần nhà mà mua, giá rẻ hơn ngoài chợ cóc mà lại đảm bảo hơn”, chị Hà nói.
Ngoài các hàng thịt, rau xanh, hàng tạp hóa bán đồ khô cũng là lựa chọn của nhiều người. Có mặt tại hàng tạp hóa trên đường Liễu Giai, Kim Mã bà An (52 tuổi, giúp việc) nói: “Cứ tưởng ngày mai, kia mới mưa không ngờ sáng 17/7 trời đã mưa ầm ầm. Chủ nhà tôi lên cơ quan còn gọi điện về dặn sáng đi chợ thì ghé hàng tạp hóa mua thêm ít đồ khô về phòng lúc mất điện còn có cái mà ăn”.
Theo đó, bà giúp việc này đã mua luôn 1 thùng gồm mì tôm, miến, phở và các loại bánh mì, sữa.
“Tích đồ ngày mưa bão là do tâm lý lo lắng chung của nhiều người chứ tôi làm giúp việc ở Hà Nội bao năm nay đã bao giờ thấy người ta đói vì bão đâu? Tuy vậy, trước mỗi lần bão vào, chủ nhà tôi đều mua gì đó cho yên tâm, chả, giò hoặc làm nồi thịt đông nhưng chưa bao giờ phải dùng đến cả”, người phụ nữ này cho biết thêm.
Chị Hương, chủ một shop bán đồ trên mạng, cũng chia sẻ: “Mặt hàng bán khá chạy của shop tôi những ngày này là áo mưa, ô và loại ủng đi mưa. Loại ủng này đi phía ngoài giày, dép dùng để lội nước ngập, bảo vệ giày, dép rất được rất nhiều người ưng ý nhất là trong những ngày Hà Nội ngập lụt thế này”.
N.Trang