Căn cứ vào nhu cầu và lợi thế phát triển của Thủ đô Hà Nội và yêu cầu, định hướng phát triển công nghiệp của cả nước, Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 94/KH - UBND ngày 05/5/2020 về chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2020 nhằm khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ và đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo đó, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2020, sẽ có khoảng 900 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội. Trong đó, có khoảng 400 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng phấn đấu đến hết năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ chiếm khoảng 18% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Hà Nội. Chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hàng năm tăng trên 12%, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 9,78% - 10,79%/năm để đạt mục tiêu cả giai đoạn 2016 - 2020 tăng 8,6 - 9%.

{keywords}
ăm 2020, TP. Hà Nội có 900 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT chuyên sâu

Theo kế hoạch, Hà Nội tập trung vào ba lĩnh vực chủ chốt là sản xuất linh kiện phụ tùng; công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, da giày; đồng thời đẩy mạnh liên kết cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Để đạt được những mục tiêu đó, UBND Thành phố cũng đưa ra các nội dung thực hiện trong năm 2020 như: Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNHT. Trong đó tập trung vào các nội dung cụ thể: Tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp CNHT; Tuyên truyền, quảng bá hoạt động CNHT của Hà Nội; Tổ chức Hội chợ, triển lãm quốc tế trung bày các sản phẩm CNHT Hà Nội…

Bên cạnh đó, hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT. Tổ chức tập huấn, phổ biến, giới thiệu các cơ chế, chính sách về phát triển CNHT, cung cấp thông tin về thị trường và năng lực các ngành CNHT Việt Nam và nước ngoài cho cán bộ quản lý nhà nước các Sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã.

Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu.

UBND Thành phố giao việc tổ chức thực hiện cho Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các Sở Tài Chính, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội… Rà soát, lồng ghép (nếu có) các Chương trình, kế hoạch do đơn vị mình tổ chức thực hiện với Kế hoạch chương trình phát triển CNHT thành phố Hà Nội năm 2020, đảm bảo không trùng lắp, nâng cao hiệu quả, tiết kiệm.

Các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề được giao đề xuất các nội dung và đơn vị thụ hưởng, phối hợp với Sở Công Thương khảo sát, thẩm tra lựa chọn những doanh nghiệp, đơn vị được hỗ trợ kinh phí Chương trình , kiểm tra, giám sát trong quy trình triển khai tại các đơn vị.

Để đảm bảo việc thực hiện Chương trình có hiệu quả, Thành phố sẽ tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện hoạt động Chương trình, kế hoạch phát triển CNHT trên địa bàn Thành phố đảm bảo thiết thực, hiệu quả, không chồng chéo, đúng pháp luật và đúng quy định của Thành phố.

Minh Đức