Có lẽ, trong các địa phương trên cả nước, Hà Nội là thành phố có nhiều bài hát nhất và hầu như ca khúc nào về Hà Nội cũng để lại dấu ấn khó phai, đi cùng năm tháng với người dân Thủ đô và những ai mến yêu thành phố này.

Tôi là một giáo viên Sử, ngoài kiến thức về lịch sử, tôi cũng là người yêu văn hóa - nghệ thuật, thích thưởng thức âm nhạc, mê những ca khúc nhạc đỏ và trữ tình.

Với riêng tôi, Hà Nội niềm tin và hy vọng của nhạc sĩ Phan Nhân là một trong những ca khúc hay nhất về Thủ đô mà tôi thích nghe và cũng hay hát.

Hà Nội đang trải qua những ngày sôi động với chuỗi các sự kiện chào mừng 70 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Trong các chương trình nghệ thuật chính luận lớn tại Thủ đô đợt này, chắc chắn không thể vắng bài hát Hà Nội niềm tin và hy vọng như một tiết mục "đinh".

w ngay hoi 1a 9720.jpg
Hình ảnh về hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024). Ảnh: Phạm Hải

Tôi nghe bài hát này không chỉ với đôi tai của một khán giả, mà thẩm thấu nó với cái nhìn và con tim của một giáo viên Sử bởi những điều đặc biệt. Theo cách hiểu của tôi các nhạc sĩ không chỉ đơn thuần là những người làm công tác nghệ thuật, sáng tạo nghệ thuật mà họ là những người viết sử bằng lời ca, nốt nhạc. Phan Nhân với tác phẩm Hà Nội niềm tin và hy vọng là một trong nhiều nhạc sĩ như vậy.

Có hai điều về bài hát làm tôi tâm đắc.

Thứ nhất, tác giả của ca khúc nổi tiếng này không phải là người con sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Nhạc sĩ Phan Nhân quê ở An Giang. Năm 1954, ông rời miền Tây Nam bộ ra sống ở Hà Nội. Ông đã sống, trải nghiệm sâu sắc về đất và người Hà Nội với thời gian không dài. Nhưng ông đã có một ca khúc để đời như một dấu ấn đặc biệt với Hà Nội. Chỉ có trái tim biết rung động sâu sắc, một tình yêu vô bờ bến mới giúp ông sáng tác ca khúc về Thủ đô hay đến như thế.

Chính "niềm tin" vô bờ bến, "hy vọng" mãnh liệt vào tương lai sáng tươi đó của người nhạc sĩ, cũng như của cả dân tộc đã tiếp thêm sức mạnh để quân và dân Hà Nội vượt qua gian khó, hiểm nguy để đánh bại quân thù và xây dựng Thủ đô "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như lời mong mỏi của Bác Hồ.

Giai điệu trầm hùng, lời ca thiết tha của bài hát đã quyện vào nhau làm nên một "nòng pháo vẫn vươn lên trời cao" trong những tháng ngày đánh Mỹ. Hà Nội của mùa đông năm 1972 với 12 ngày đêm khói lửa "Điện Biên phủ trên không" để sau đó buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris 27/1/1973.

Trong lịch sử, Hà Nội từng được cha ông ta chọn là nơi đóng đô, định vương triều. Hà Nội là trái tim của cả nước, là "Thủ đô của lương tri và phẩm giá", là "Thành phố vì hòa bình". Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội mãi là niềm tin và hy vọng, không chỉ của hôm nay và cả mai sau.

Hơn nửa thế kỷ qua từ khi ca khúc này ra đời, ca sĩ Trần Khánh là người đầu tiên được nhạc sĩ Phan Nhân lựa chọn và hát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi lần lượt các ca sĩ có tên tuổi như Quý Dương, Trung Kiên, Doãn Tần, Quang Lý, Ngọc Tân, Quang Thọ đến tam ca Đăng Dương - Trọng Tấn - Việt Hoàn, Quốc Hưng, Phúc Tiệp, Xuân Hảo, Tiến Lâm..., mỗi người một phong cách, một chất giọng nhưng đều thể hiện rất xúc động ca khúc hùng tráng này trên nhiều sân khấu lớn.

Hà Nội niềm tin và hy vọng là biểu tượng của một tình yêu sâu nặng đã được thử thách và hun đúc trong một thời gian dài của một người con ở đất phương Nam với Hà Nội.

Hà Nội niềm tin và hy vọng trở thành một thông điệp, một biểu tượng văn hóa không riêng gì của Thủ đô mà còn là cội nguồn làm nên sức mạnh của cả một dân tộc trường tồn cùng lịch sử.