Theo kế hoạch ứng phó, Hà Nội yêu cầu kiểm soát chặt Sân bay quốc tế Nội Bài. Ngoài cách ly tập trung người đến từ các quốc gia đang có Omicron, Hà Nội giám sát hành khách nhập cảnh có tiền sử đến/về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới như Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswwatini, Lesotho, Mozambique...
Hành khách đến từ các quốc gia khác phải có xét nghiệm âm tính trong 72 giờ khi nhập cảnh vào Việt Nam. Các đơn vị tại sân bay sẽ tăng cường kiểm soát giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính, khai báo y tế của hành khách.
Bên cạnh đó, đề nghị tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch.
Đối với các chuyến bay xuất phát hoặc có hành khách đến từ các quốc gia đang có sự xuất hiện của biến thể Omicron thì bắt buộc thực hiện cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ các quốc gia này, bất kể tiền sử đã tiêm vắc xin hoặc đã mắc Covid-19 trước đó.
Hà Nội ban hành kế hoạch ứng phó với biến chủng Omicron trên địa bàn thành phố - Ảnh: Phạm Hải. |
Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và xã, phường, thị trấn cần tăng cường giám sát, quản lý, theo dõi sức khỏe đối với người nhập cảnh, người lao động về lưu trú tại địa phương, đặc biệt là người trở về từ các quốc gia đã ghi nhận sự có mặt của biến chủng Omicron.
Tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, giảm hoặc mất vị giác/khứu giác, khó thở để phát hiện sớm các trường hợp bệnh, đặc biệt là các trường hợp có yếu tố dịch tễ là người nhập cảnh hoặc thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài.
Hà Nội đề nghị các phòng xét nghiệm chủ động phát hiện sớm trường hợp nhiễm biến thể Omicron bằng cách xem xét dấu hiệu thiếu gen S trong các mẫu xét nghiệm RT-PCR dương tính với nCoV.
Cùng với đó, lựa chọn ngẫu nhiên hoặc có chủ đích dựa vào kết quả điều tra dịch tễ các mẫu xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2 để làm xét nghiệm giải trình tự gen đối với bệnh nhân trong các nhóm: Người nhập cảnh trong vòng 28 ngày, đặc biệt là người đi đến/về từ các nước đã ghi nhận biến chủng Omicron; Người tái nhiễm Covid-19 (có xét nghiệm RT-PCR dương tính sau 2 tháng khỏi bệnh).
Theo kế hoạch, Thành phố đề nghị các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều bổ sung, liều nhắc lại ngay từ tháng 12 này theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ưu tiên các đối tượng nguy cơ. Tiếp tục rà soát trên địa bàn dân cư để vận động và tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho những người chưa tiêm đầy đủ, nhất là những người lớn tuổi có bệnh lý nền.
Hà Nội lưu ý, kiện toàn và triển khai đồng bộ hệ thống phòng, chống dịc từ cấp thành phố đến cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn; ứng phó linh hoạt tuỳ theo cấp độ nguy hiểm của dịch do biến thể Omicron gây ra.
Khi phát hiện các trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên tại địa bàn, tập trung điều tra truy vết tìm nguồn lây ban đầu và người tiếp xúc gần để khẩn trương xử lý dập dịch, cắt đứt chuỗi lây nhiễm.
Tùy theo mức độ nguy hiểm về khả năng lây lan và gây bệnh nặng của biến thể Omicron được cập nhật, kịp thời triển khai các biện pháp kiểm soát dịch tương ứng như truy vết, cách ly tập trung nghiêm ngặt đối với người tiếp xúc gần (F1). Đồng thời, theo dõi, phân tích dữ liệu theo nhóm, chuỗi người nhiễm Omicron để đánh giá mức độ lây nhiễm, mức độ nặng, tử vong,...
Các đơn vị triển khai ngay các hoạt động nhằm chăm sóc và hỗ trợ cho F0 đang cách ly điều trị tại nhà trong tình hình dịch bệnh hiện nay và tiếp tục đáp ứng hiệu quả nếu biến thể Omicron xuất hiện tại Việt Nam.
Hà Nội giao Công an Thành phố phối hợp với Bộ Công an và Công an các tỉnh giáp ranh thực hiện công tác quản lý Nhà nước đối với người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và hoạt động tại thành phố.
Bộ Tư lệnh Thủ đô sẵn sàng phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với Công an, các sở, ban, ngành Thành phố, các quận, huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai lực lượng kiểm soát quân sự, dân quân làm nhiệm vụ chốt chặn, tuần tra, kiểm soát người, phương tiện ra, vào thành phố, tại các khu vực, chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh khi có yêu cầu…
Sở Công Thương tăng cường kiểm tra, quản lý, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng khan hiếm hàng hoá trên thị trường hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hoá bất hợp lý đối với các trang thiết bị y tế, dụng cụ bảo hộ để bảo vệ sức khoẻ, dùng để phòng chữa bệnh.
Hà Nội cũng đề nghị Sở GTVT xây dựng phương án huy động các phương tiện vận tải công cộng đáp ứng tình huống dịch bùng phát cần di chuyển người dân đến khu vực cánh ly theo đề nghị của ngành Y tế. Đề xuất các phương án phân luồng cũng như hạn chế giao thông công cộng trong trường hợp dịch bùng phát để hạn chế lây lan dịch bệnh.
Đoàn Bổng