Hiện nay, mỗi tháng, người dân Hà Nội tiêu thụ khoảng 96.700 tấn gạo, 19.300 tấn thịt lợn, 5.350 tấn thịt bò, 6.400 tấn thịt gà, 129 triệu quả trứng gia cầm, 19.250 tấn thủy sản, 5.350 tấn thực phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản,107.500 tấn rau củ quả.  

Nguồn cung cấp chủ yếu đến từ các tỉnh phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh lân cận. Các thực phẩm chế biến sẵn có nguồn gốc từ Bình Dương, TP.HCM, Hải Dương, Bắc Giang…

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, để đảm bảo chất lượng nguồn thực phẩm từ nông lâm, thủy hải sản, cơ quan này đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, yêu cầu khắc phục các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các cơ sở phát triển, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

an toan thuc pham 2.png
Sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn tại hội chợ hàng nông sản tổ chức tại Thanh Xuân, Hà Nội.

Ngoài ra, các đơn vị cũng chủ động tăng cường các khâu từ hướng dẫn, thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh, chế biến sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, tổ chức ký cam kết sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở không thuộc diện cấp giấy. Đến nay, khoảng 90% cơ sở xếp loại A, B và được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Cũng theo bà Hằng, công tác thanh tra, kiểm tra cũng được tăng cường. Hà Nội chủ động phối hợp với các địa phương lấy mẫu các sản phẩm và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở khắc phục theo đúng quy định của pháp luật, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các cơ sở phát triển, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội và 43 tỉnh, thành phố đã chủ động, tích cực duy trì và hỗ trợ phát triển 946 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố, với hơn 1.130 đầu mối cung cấp sản phẩm nông, lâm, thủy sản cho Hà Nội.

Nguyễn Thảo và nhóm PV, BTV