Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, tốc độ phát triển kinh tế ở các xã vùng dân tộc, miền núi của Thủ đô bình quân tăng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 28 đến 30 triệu đồng/người/năm, có xã trên 40 triệu đồng.
Theo Ban Dân tộc TP. Hà Nội, sau 1 thập kỷ, diện mạo vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi Hà Nội đã có nhiều thay đổi, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Kết cấu hạ tầng cơ sở vùng DTTS và miền núi Thủ đô đã được đầu tư hoàn thiện. Tốc độ phát triển kinh tế ở các xã vùng dân tộc, miền núi bình quân hàng năm trên 12%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng nông, lâm nghiệp giảm, tăng dần tỷ trọng dịch vụ, du lịch, tiểu thủ công nghiệp.
Hiện, 100% xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã, trên 60% đường trục thôn được bê tông hóa; trên 60% kênh mương được kiên cố hóa; 100% số hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt; 100% số xã đã có điểm bưu điện, 100% các thôn có đường dây điện thoại, mạng lưới internet đến từng thôn.
Đặc biệt, hết năm 2016, TP.Hà Nội không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn; 14/14 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 6/14 xã cán đích xây dựng nông thôn mới…
Theo báo cáo của Ban Dân tộc TP.Hà Nội, năm 2008, thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS và miền núi của Thủ đô chỉ đạt 6,7 triệu đồng/người/năm thì hết năm 2017 đã đạt 28 triệu đồng/người/năm (có xã đạt trên 40 triệu đồng/người/năm như Tiến Xuân, Yên Bình); tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm nhanh, từ 21,3% (năm 2008, chuẩn nghèo đơn chiều) xuống còn 8% (năm 2017, chuẩn nghèo đa chiều).
Để có được thành tựu đó là nhờ sự quan tâm, ưu tiên nguồn lực đầu tư từ Trung ương đến TP.Hà Nội. Ttrong mỗi giai đoạn phát triển, thành phố đều có những chủ trương phát triển kinh tế xã hội cho đồng bào DTTS đảm bảo phù hợp, hiệu quả.
Trong giai đoạn 2008 - 2010, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 62 về thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc, miền núi của thành phố trong năm 2009 - 2010, với kinh phí đầu tư 155 tỷ đồng. Giai đoạn 2011 - 2015, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 166 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2013 - 2015 với kinh phí đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2020, UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch số 138 nhằm tiếp tục phát triển toàn diện kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi với tổng kinh phí dự kiến 2.324 tỷ đồng.
Bên cạnh thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù, TP. Hà Nội cũng chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các chính sách của Trung ương như hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS.
Từ ngày 1/8/2008, thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII, TP. Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính, trên cơ sở hợp nhất TP. Hà Nội với tỉnh Hà Tây; sáp nhập huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Sau sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính, vùng dân tộc, miền núi chiếm khoảng 10% diện tích tự nhiên của thành phố. |
M.M - Phương Cúc - Ngọc Cương