Mỗi ngày TP Hà Nội phát sinh hơn 6.000 tấn rác thải sinh hoạt, chưa kể lượng lớn rác thải công nghiệp. Vì thế vấn đề xử lý rác thải luôn được chính quyền TP đặc biệt quan tâm.
Rải thải ngày càng nhiều lên trong khi công nghệ, hạ tầng, quy mô xử lý rác lại chưa đáp ứng được nhu cầu. Hà Nội quy hoạch tới 17 khu xử lý rác thải nhưng hiện nay chỉ có 3 khu hoạt động, gồm: Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn), Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (Ba Vì) và Khu xử lý chất thải Cầu Diễn (Nam Từ Liêm).
Thế nhưng, phương thức xử lý rác thải ở 3 khu trên vẫn lạc hậu, chủ yếu là chôn lấp khiến diện tích đất bị thu hẹp, hạ tầng xuống cấp, quá tải dẫn đến phát sinh các sự cố.
Nhiều lần các bãi rác gặp sự cố khiến rác thải ùn ứ trong các quận nội thành Hà Nội. Chính quyền đưa ra các biện pháp "nóng" để tháo gỡ nhưng rồi tình trạng lại tái diễn.
Điều đó cho thấy, vấn đề xử lý rác thải khi sự cố xảy ra chưa bài bản, còn bị động, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Tháng 7/2022, việc nhà máy điện rác Sóc Sơn (đặt tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn) đi vào hoạt động đã góp phần giải bài toán khó về vấn đề xử lý rác thải ở Hà Nội.
Mới đây, chia sẻ với PV VietNamNet, ông Lý Ái Quân, TGĐ Công ty Cổ phần năng lượng môi trường Thiên Ý, chủ đầu tư nhà máy điện rác, cho biết, công suất xử lý rác của nhà máy hiện tại đạt từ 2.500 đến 3.000 tấn/ngày. Nhà máy đã đóng điện hòa lưới 1 tổ máy phát điện công suất 30MW.
“Chúng tôi đã vận hành thương mại tổ máy số 1 từ ngày 16/2, công suất phát điện đạt 30MW. Về giá điện, chúng tôi thực hiện theo đơn giá của Chính phủ đưa ra đối với các dự án điện rác hiện nay”, ông Quân cho biết.
Theo ông Quân, sau khi vận hành toàn bộ 5 lò đốt và 3 tổ máy phát điện, công suất theo thiết kế lắp đặt đạt 90MW/giờ, công suất hòa lưới đạt 75MW. Tỷ lệ điện tự dùng khoảng 12%.
Hiện tại mọi công tác lắp đặt của nhà máy đã đạt 100%, chủ đầu tư đã chuẩn bị hồ sơ để xin cấp phép vận hành giai đoạn 3.
Dự án nhà máy điện rác Sóc Sơn được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương từ cuối năm 2017, tổng đầu tư 7.000 tỷ đồng. Đây được xem là nhà máy đốt rác lớn nhất Việt Nam với công suất xử lý 4.000 tấn rác khô/ngày.