Giữa cái nóng như "thiêu như đốt" gần 40 độ của mùa hè Hà Nội, tại Xã Tiên Phong, Huyện Mê Linh vẫn thấp thoáng những top nhà đầu tư khảo sát, tìm hiểu đất tại hàng loạt dự án như Cienco 5, Minh Giang Đầm Và, Mê Linh New City....

Cảnh tượng này khiến nhiều người nhớ lại thời điểm 2008, huyện Mê Linh chính thức sáp nhập về thủ đô Hà Nội với quy hoạch mới trở thành đô thị trung tâm Hà Nội. Vào thời điểm đó, giá đất các dự án tại Mê Linh tăng nóng từ 3-5 triệu đồng rồi vượt ngưỡng từ 18 – 22 triệu đồng/m2. 

Những năm 2008, khu đô thị mới AIC, giá đất mở bán không quá 10 triệu/m2, nhưng qua mua bán trao tay đã được đẩy lên 18 triệu/m2. Dự án Cienco 5, giá khởi điểm 5 triệu/m2, chỉ ít lâu đã vọt lên 22 triệu/m2. Thậm chí tại khu đô thị Quang Minh, có thời điểm giá bán trên thị trường thứ cấp chạm mốc 35 triệu đồng/m2.

Thế nhưng, khi khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng bất động sản ập đến, cơn sốt này hạ nhiệt "không phanh". Thị trường rơi vào giấc ngủ vùi hơn chục năm sau đó. Đất rao bán cắt lỗ sâu nhưng không có người hỏi mua, giá nhiều nơi chỉ giảm xuống còn 8-12 triệu đồng

{keywords}
Những khu đô thị bỏ hoang tại Mê Linh đang hút sự quan tâm của nhà đầu tư.

Cầm hợp đồng mua lô đất nền giá gần 1 tỷ đồng hơn 10 năm nay, chị Hương (một nhà đầu tư tại Hà Nội) không biết chính xác lô đất đã mua nằm ở đâu giữa bãi đất cỏ mọc um tùm ở xã Tiền Phong, Mê Linh.

Chị Hương kể, ngược về năm 2008, khi Mê Linh chính thức sáp nhập về Hà Nội, thị trường bất động sản nơi đây đã trở thành một trong những điểm nóng hàng đầu với tình cảnh tranh mua tranh bán và giá nhà đất được đẩy lên cao ngất.

"Phải nhờ mối quan hệ tôi mới có suất mua giá 1 lô đất tại Khu đô thị Cienco 5 với giá góp vốn ban đầu 5 triệu đồng nhưng vẫn phải trả chênh gần 1 tỷ đồng ngoài mà không hề có bất cứ giấy tờ chứng nhận nào".

{keywords}
Khủng hoảng kinh tế những năm 2010 đã khiến hàng chục khu đô thị tại Mê Linh hoang hóa suốt gần một thập kỷ. Nhiều nhà đầu tư mua vội thời điểm sốt còn chưa kịp biết vị trí lô đất của mình ở đâu giữa những cánh đồng hoang toàn cỏ.

Khoảng 2 năm gần đây, Mê Linh được hưởng lợi từ sự “nóng” lên của thị trường bất động sản Đông Anh do nằm tiếp giáp với huyện này. Tuy nhiên, sự thức giấc của Mê Linh mang tính chất cục bộ. Các dự án đất nền vẫn trong tình trạng “bất động”, sự sôi nổi rơi vào phân khúc đất thổ cư trong dân.

Tuy nhiên, từ giữa năm 2020 trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung dự án mới và xu hướng đầu tư đất vùng ven, đất Mê Linh nằm trong điểm ngắm của giới đầu tư. Giá bắt đầu tăng mạnh tại các dự án như Thanh Hà Cienco 5, Diamond Park, khu đô thị Tiền Phong Mê Linh, khu đô thị Hà Phong, Chi Đông…Tăng từ mức trên dưới 10 triệu đồng/m2 lên 17-22 triệu đồng/m2 và đến thời điểm hiện tại giá đã giao động quanh ngưỡng 23-38 triệu đồng/m2. 

Cụ thể, giá các căn liền kề, biệt thự tại khu đô thị Minh Giang giá từ 23 triệu đồng/m2. Dãy shophouse được giới thiệu sát bên trục đường lớn kéo thẳng vào khu đô thị Vườn Hoa Tiên Phong của Vingroup giá đã được đẩy lên 40 triệu/m2. Còn ở dự án Cienco 5, giá giai đoạn A rơi vào khoảng 30-40 triệu/m2, giai đoạn B hiện 23 triệu đồng/m2.

{keywords}
Lô đất trống tại Khu đô thị Minh Giang được giới thiệu là dãy shophouse đang được giao dịch 40 triệu đồng/m2.

Trao đổi với chúng tôi, một môi giới tên Nam cho biết chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây từ khi dịch Covid-19 xuất hiện giá đã tăng gấp 3 lần. Đặc biệt, thông tin Vingroup chuẩn bị triển khai 2 dự án lớn tại Mê Linh là Vườn hoa Tiền Phong và Khu đô thị AIC đã đẩy giá tại Mê Linh tiếp tục tăng nóng. Cùng với đó, thông tin MIK Group chuẩn bị xây dựng khu đô thị 280ha cũng khiến giá đất ở đây tăng theo.

"Nếu dự án của Vingroup ra hàng chắc chắn sẽ không bao giờ có giá dưới 80 triệu đồng/m2. Vì thế, hiện nay mức giá 20-30 triệu đồng/m2 vẫn còn có khả năng tiếp tục tăng mạnh một khi dự án của Vingroup hay MIK mở bán", môi giới này cho biết.

{keywords}
Sơ đồ vị trí một số dự án tiếp giáp dự án Làng Hoa Tiền Phong của Vingroup đang tăng giá mạnh.

Khảo sát thực tế của chúng tôi cho thấy, dù đất Mê Linh đang sốt lại, giá tăng bằng lần chỉ trong thời gian ngắn nhưng hiện trạng của hàng chục dự án tại đây vẫn là những bãi đất trống trải dài vô tận.

Con đường dẫn vào  khu nhà ở Minh Giang Đầm Và giai đoạn 2 (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh) khá rộng rãi, thông thoáng và gần như không bị che khuất tầm nhìn. Đó là "nhờ" trong mấy năm qua, Công ty TNHH Minh Giang đã "án binh bất động" đối với dự án này. Không người, không máy móc, không vật tư, khu nhà ở Minh Giang Đầm Và hiện lên ở thời điểm hiện tại chỉ là một bãi đất trống mênh mông dùng làm nơi chăn thả trâu bò.

Dấu ấn đáng kể nhất của dự án là 8 căn liền kề nằm trơ trọi giữa cánh đồng không. Ngoài ra là vài trăm cây xanh mới được trồng xuống, vài con đường nội bộ được rải đá dăm và la liệt miệng cống không nắp đậy.

{keywords}
Giai đoạn B của Cienco bỏ hoang hơn 1 thập kỷ đang được nhiều người dân "nhảy dù" vào canh tác cũng đang được mời chào với giá 28 triệu đồng/m2 cho căn liền kề mặt đường lớn.

Mặc dù hoang tàn vậy nhưng nếu so với dự án Cienco 5, Minh Giang Đầm Và vẫn còn "đồng bộ" hơn nhiều, bởi tại Cienco 5, thứ hiện diện nhiều nhất chỉ là cỏ dại – mọc như rừng.

Với quy mô 50 hecta, Cienco 5 là một trong những dự án lớn tại Mê Linh, nhưng nhiều năm qua, chủ đầu tư cũng chỉ làm được viêc duy nhất là trải đá dăm lên con đường tạm dẫn vào dự án, còn bao nhiều đều phó thác cho trời.

{keywords}
Khoảng 20 dự án lớn tại Mê Linh vẫn trong tình trạng cỏ mọc ngập lối.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, toàn huyện Mê Linh hiện có khoảng 50 dự án tập trung tại các xã ven đại lộ Võ Văn Kiệt như Tiền Phong, Tráng Việt, Thanh Lâm, Đại Thịnh, thị trấn Quang Minh. Trong đó có khoảng 20 dự án lớn, quy mô từ vài chục đến vài trăm hecta, tập trung nhiều nhất tại xã Tiền Phong.

Đa số các dự án này hiện nay đều không triển khai được hoặc triển khai dang dở và gần như không có hạ tầng. Tình trạng hoang hóa xảy ra phổ biến đến nỗi Mê Linh từng được gọi là "thị trường của những dự án ma". Thời điểm hiện tại, trong bối cảnh Hà Nội khan hiếm nguồn cung Mê Linh lại là đích ngắm của nhiều nhà đầu tư Hà Nội.

(Theo Nhịp Sống Kinh Tế)

Cơn sốt đi qua, cò đất tháo chạy: Kẻ 'ôm bom' cuối cùng lãnh đủ

Cơn sốt đi qua, cò đất tháo chạy: Kẻ 'ôm bom' cuối cùng lãnh đủ

Cơn sốt đất nền có dấu hiệu "hạ nhiệt", ở một số điểm nóng không còn cảnh mua bán nhộn nhịp, sang tay ồ ạt như trước, giá cũng đã có dấu hiệu chững lại.