Huyện Hà Quảng có 5 dân tộc chủ yếu là đồng bào DTTS. Địa hình phức tạp, người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí và nhận thức về pháp luật còn hạn chế, do vậy, tình trạng tảo hôn, khai thác rừng trái phép, xuất cảnh trái phép… vẫn còn xảy ra.
Trong bối cảnh đó, thời gian qua, phòng Dân tộc huyện đã tập trung tham mưu thực hiện các chương trình, đề án chính sách dân tộc. Đặc biệt là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho bà con, đặc biệt những người sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
Công tác tuyên truyền, tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân được tỉnh quan tâm nâng cao chất lượng và tổ chức đổi mới bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện địa phương, đặc thù là tỉnh miền núi với phần lớn là đồng bào DTTS sinh sống.
Là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh, hằng năm Sở Tư pháp tham mưu về công tác tuyên truyền, PBGDPL, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, tập trung tuyên truyền các quy định của hiến pháp, pháp luật liên quan đến đời sống của nhân dân gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; giáo dục cán bộ, công chức, viên chức, lao động và người dân có ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật, lợi ích của việc chấp hành pháp luật; vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Đẩy mạnh tuyên truyền, PBGDPL cho người dân vùng đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Tăng cường phối hợp với Ban Dân tộc, Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện tuyên truyền, PBGDPL lồng ghép với các hội nghị, tập huấn liên quan đến các chính sách dân tộc. Thường xuyên tuyên truyền, PBGDPL bằng các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đối tượng và địa bàn như phổ biến pháp luật trực tiếp; tổ chức hội nghị trực tuyến; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, Internet, tờ gấp, áp phích, tài liệu tuyên truyền pháp luật; đăng tải trên cổng, trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật; thông qua công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và hoạt động khác của các cơ quan trong bộ máy nhà nước; thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở; lồng ghép trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và các đoàn thể, câu lạc bộ, tủ sách pháp luật và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở.
Thực hiện nhân rộng và phát huy các mô hình hay, hiệu quả như Chuyên mục “Văn bản, chính sách mới” của Báo Cao Bằng, Đài Phát thanh và Truyền hình Cao Bằng; phát hành Bản tin tư pháp hằng quý cấp phát đến tủ sách pháp luật cấp xã làm tài liệu tuyên truyền của Sở Tư pháp; mô hình phổ biến pháp luật “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án” của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; chuyên mục “Pháp luật và Cuộc sống” của Sở Tư pháp trên sóng phát thanh, truyền hình; mô hình lồng ghép tuyên truyền văn bản pháp luật trong các nội dung sinh hoạt chi hội phụ nữ; mô hình phổ biến pháp luật qua các câu lạc bộ nông dân với pháp luật của Hội Nông dân tỉnh; mô hình câu lạc bộ pháp luật của Công an tỉnh; câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật...
Công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện dưới nhiều hình thức đã và đang góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng bào các dân tộc, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh vùng đồng bào DTTS. Thông qua các hoạt động, công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của việc chấp hành và thực hiện tốt các quy định của pháp luật của người dân, đồng thời tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh, giữ vững an ninh trật tự tại các địa phương.