Chiến lược kinh doanh linh hoạt trong đại dịch
Năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn đối với ngành đồ uống nói chung và Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) nói riêng, nhu cầu tiêu dùng các khu vực thị trường chính của Habeco bắt đầu giảm mạnh từ tháng 6/2021, là mùa cao điểm bán hàng, khi phần lớn các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Sản lượng tiêu thụ bia các loại của Habeco thời gian này giảm trung bình khoảng 50% so với cùng kỳ. Chuỗi cung ứng logistic và lưu thông hàng hóa của Habeco cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chi phí vận chuyển tăng cao do phát sinh nhiều chi phí như: xét nghiệm Covid-19, xin giấy phép vào đường cấm, phát sinh chốt kiểm dịch làm thay đổi luồng tuyến vận chuyển, thời gian vận chuyển kéo dài gấp 2, 3 lần… Những khó khăn trên đã ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh năm 2021 của Habeco.
Kết thúc năm 2021, Habeco (mã chứng khoán BHN) đã ghi nhận 7.053,4 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 411,6 tỷ đồng. Tại Công ty mẹ, doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính (bao gồm thuế Tiêu thụ đặc biệt) đạt 5.736 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 376,9 tỷ đồng, vượt 6,3% kế hoạch doanh thu và 18,1% kế hoạch lợi nhuận đề ra. Nộp ngân sách nhà nước 1.522 tỷ đồng.
Trải qua một năm kinh doanh đầy khó khăn, kết quả kinh doanh của Habeco phản ánh những nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp thích ứng và vượt qua khó khăn của môi trường kinh doanh, bảo vệ và gia tăng thị phần.
Với bối cảnh diễn biến của dịch bệnh nhiều phức tạp, các dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ đối với nhà hàng, quán bia, bia hơi không được nới lỏng, Habeco đã đưa ra nhiều phương án kinh doanh linh hoạt để thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới như đẩy mạnh bán hàng online, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử kết hợp với triển khai các chương trình khuyến mãi, tri ân khách hàng lớn. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả hoạt động qua quy hoạch mạng lưới nhà phân phối, nâng cao năng lực và kỹ năng cho đội ngũ bán hàng, cũng như tiếp tục đổi mới, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm dễ mang về, nhằm nắm bắt đáp ứng xu hướng tiêu dùng của người dân dần chuyển dịch thói quen mua sắm. Các hoạt động truyền thông luôn được triển khai sớm và xuyên suốt trên các kênh truyền thông đại chúng phổ biến trong đó có Facebook, Zalo… và nhiều vùng địa lý bán hàng từ Bắc tới Nam.
Chiến lược kinh doanh linh hoạt kết hợp với nền tảng thương hiệu mạnh, uy tín và năng lực sản xuất lớn được đánh giá không chỉ giúp Habeco vượt qua thách thức ngắn hạn của môi trường kinh doanh, mà còn tạo nền tảng vững chắc để phát triển mạnh mẽ, tận dụng đà phục hồi tiêu thụ bia trong nước.
2022: Nỗ lực bảo vệ và gia tăng thị phần
Bước sang năm 2022, triển vọng kinh doanh của Habeco đang có nhiều thuận lợi hơn khi kênh bán hàng tại chỗ (nhà hàng) và các hoạt động kinh tế, du lịch mở lại hoàn toàn, du khách quốc tế cũng sẽ trở lại Việt Nam sau 2 năm đóng cửa.
Tuy vậy, năm 2022 được dự báo sẽ vẫn là một năm khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, chiến tranh Nga - Ucraine; chuỗi cung ứng đứt gãy, giá vật tư nguyên liệu đầu vào biến động tăng liên tục đặc biệt là xăng dầu, malt, vỏ lon, nắp chai... Trong bối cảnh các biện pháp hạn chế dịch bệnh đã được từng bước gỡ bỏ, Habeco sẽ tiếp tục tập trung triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi.
Trong chiến lược kinh doanh năm nay, ban lãnh đạo Tổng Công ty xác định bên cạnh việc củng cố, bảo vệ thị trường Miền Bắc, gia tăng tốc độ tăng trưởng tại thị trường Bắc Trung Bộ, Habeco sẽ tiếp tục phát triển thị trường Miền Nam. Duy trì công tác truyền thông thương hiệu lấy nền tảng digital làm trọng tâm. Cải tiến bao bì, mẫu mã sản phẩm. Tiếp tục phát triển kênh Thương mại điện tử... để thích ứng với môi trường kinh doanh và xu hướng tiêu dùng mới.
Trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường 2022 Ban lãnh đạo Habeco đã công bố các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh chính năm 2022 dự kiến trình Đại hội với kế hoạch sản lượng tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu 300,06 triệu lít, bao gồm 298,3 triệu lít bia các loại và 1,74 triệu lít nước uống đóng chai UniAqua. Doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính dự kiến đạt 6.605,2 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 274,98 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 220,8 tỷ đồng. So với kết quả thực hiện năm 2021, kế hoạch sản phẩm tiêu thụ chủ yếu dự kiến tăng 6,59% còn kế hoạch doanh thu tăng 15,15%.
Doãn Phong