Mới đây, câu chuyện về các hacker Trung Quốc đang khiến cho nhiều người giật mình về một hiểm họa không nhỏ đang rình rập xung quanh những tựa game online, trong đó chủ yếu là Webgame.
PW là sinh viên tốt nghiệp vào loại xuất sắc tại học viện Quảng Châu và hiện đang là một quản lý tại một công ty phần phần mềm. Tuy nhiên, tất cả chỉ là bề nổi trong khi hàng đêm, anh ta lại sử dụng khoảng thời gian rảnh của mình để viết ra các phần mềm cũng như công cụ để hack game online, trong đó chủ yếu là Webgame.
Trên thực tế, PW nói rằng vào thời điểm ban đầu, nhóm hacker mà anh ta đang tham gia không chủ định viết lên các phần mềm hack Webgame. Họ chủ yếu hack vì sở thích, và như một cách để thể hiện trình độ của mình. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian thì nhiều thành viên trong nhóm nhận ra rằng họ có thể kiếm được không ít tiền từ việc hack tiền in-game của trong các Webgame. Và từ đây, nhóm của PW bắt đầu chuyển sang viết các phần mềm hack game online.
Cũng theo như lời kể của PW, game online hiện đang là thị trường chính và đáng giá nhất của các hacker Trung Quốc. Các hacker thường hoạt động theo nhóm, những người có kĩ năng giỏi sẽ hack thẳng vào database của NPH để hack ID và Password của các tài khoản, trong khi các hacker kém kĩ năng hơn thì chỉ hack được từng tài khoản riêng lẻ, từ đó bán đồ, tiền ảo của nhân vật. Cũng theo như PW kể rằng thậm chí cả những hacker kém, ít trình độ nhất hiện nay của Trung Quốc cũng có thể kiếm được khoảng 100.000 Nhân Dân Tệ (khoảng gần 350 triệu VNĐ) mỗi tháng.
Điều tệ hơn rằng với những hacker giỏi, họ ăn trộm hẳn database của hàng loạt game thủ rồi bán cho bên thứ 3 để kiếm lời. Với một lần hack database thành công của một tựa game online, một hacker có thể kiếm được tới 5 triệu Nhân Dân Tệ (khoảng hơn 17 tỷ VNĐ). Bên thứ 3 sẽ có thể sử dụng database này để hack lại chính NPH và game thủ. Theo đó, cứ mỗi lần game thủ nạp tiền vào tài khoản của mình thì tiền này sẽ tự động chuyển về bên thứ 3 thay vì chuyển sang cho NPH.
Trên thực tế, lỗi database này có thể bị NPH nhanh chóng phát hiện và khắc phục. Tuy nhiên, chỉ cần để hở ra khoảng 1, 2 ngày là các đối tượng này đã có thể thu hồi đủ vốn và kiếm lời. Với mức lợi nhuận khổng lồ như vậy, không ít sinh viên mới ra trường hiện nay tại Trung Quốc có trình độ cao về máy tính đang rất dễ bị lôi kéo để trở thành hacker xấu, và mục tiêu chính của các hacker chính là thị trường game online.
Không giống như PW, một hacker khác với biệt danh là "G" mới bị phát hiện gần đây còn tổ chức hẳn một nhóm hacker chuyên tấn công vào các game online tại Trung Quốc. Với mục đích chính là thu lợi nhuận, G đào tạo hẳn một nhóm gồm khoảng 4 đến 5 người.
Cũng là hack tài khoản nhưng thay vì bán sang bên thứ 3, nhóm của G lại sử dụng các phần mềm hack có thể "giả làm người chơi". Thỉnh thoảng, các phần mềm hack này sẽ lấy đi một khoản tiền nhỏ của người chơi trong tài khoản. Vì số tiền là khá nhỏ nên người chơi đa phần thường không nhận ra rằng họ đã bị hack, và cứ thế tình trạng này kéo dài với số lượng lên tới hàng nghìn người chơi.
Nguyên nhân chính được đưa ra ở đây chính là việc hiện nay, đa phần các NPH tại Trung Quốc (kể cả ở Việt Nam) không thực sự chú trọng đến việc bảo mật thông tin của khách hàng. Nhiều công ty ở Trung Quốc không thực sự chú trọng đến việc này, một phần vì họ sẽ phải tốn một khoản tiền không nhỏ cho việc bảo mật, phần còn lại ở đây rằng đây cũng không phải là vấn đề... game thủ quan tâm đến.
Hơn thế nữa, đa phần các tựa game bị hack database đều là Webgame, những trò chơi được sản xuất theo công nghệ "mỳ ăn liền" và NPH cũng không muốn phải bỏ ra quá nhiều tiền cho một sản phẩm "thu lời chán rồi... đóng cửa".
Điều nghiêm trọng hơn rằng ý thức của game thủ về việc bảo vệ tài khoản của mình cũng là không cao, bắt đầu đến từ việc chấp nhận chơi ở một tựa game có hệ thống bảo vệ kém và sơ sài. Một ví dụ không hiếm gặp khi một người đàn ông tỉnh dậy, phát hiện ra tài khoản QQ của mình đã bị hack, đồng thời nhận ra rằng tài khoản này cũng trùng luôn với tài khoản của các mạng xã hội khác cùng với tài khoản thanh toán online của mình.