Theo Tỉnh ủy Hải Dương, ngành công nghiệp ô tô luôn là ngành mũi nhọn đóng góp lớn vào GDP của các nước lớn trên thế giới. Tại Việt Nam, ngành ô tô cũng chiếm tới 3% GDP cả nước.

Hiện nay Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện cho sản xuất lắp ráp là một trong những ưu đãi đặc biệt và quan trọng nhất cho các Nhà sản xuất ô tô. Trong bối cảnh Việt Nam đang dần mở cửa thị trường cho xe nhập khẩu nguyên chiếc từ nhiều quốc gia trên thế giới theo các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, việc tiếp tục gia hạn Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô là cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh với xe nhập khẩu nguyên chiếc.

{keywords}
Ô tô Ford Ranger được sản xuất tại Nhà máy Ford Hải Dương (ảnh: Băng Dương)

Để hỗ trợ các doanh nghiệp ô tô đưa ra được phương án kinh doanh và lộ trình ra mắt sản phẩm, Chính phủ cần xem xét ban hành chính sách (nên có tối thiểu 1 năm trước khi có hiệu lực). Việc ban hành những chính sách có tác động lớn có hiệu lực ngay sẽ gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc định hướng kinh doanh.

Xét đề nghị của Tỉnh ủy Hải Dương, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể việc thực hiện Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp ô tô (Chương trình ưu đãi thuế) quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP trong giai đoạn qua; nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, trong đó bao gồm cả việc xem xét khả năng tiếp tục gia hạn Chương trình ưu đãi thuế cho giai đoạn tiếp theo (sau năm 2022), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, trước bối cảnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với mặt hàng ô tô giảm xuống 0% từ ngày 1/1/2018, nhằm góp phần phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, tại Nghị định số 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 122/2016/NĐ-CP của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan đã bổ sung Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp ô tô, thực hiện từ ngày 16/11/2017 đến ngày 31/12/2022.

Để tiếp tục thúc đẩy ngành ô tô phát triển phù hợp với bối cảnh mới, ngày 25/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 122/2016/NĐ-CP và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung của chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp ô tô nói trên để phù hợp với thực trạng ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong bối cảnh của đại dịch COVID-19 và phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, có tính đến các yếu tố dự báo trong tương lai.

Văn Thành