Sự kiện do Sở Công Thương Hải Phòng tổ chức nhằm làm rõ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, liên quan đến giải quyết các TTHC, các vấn đề khó khăn, vướng mắc đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp… 

Khẳng định thông điệp: “Luôn lắng nghe, chia sẻ, đồng hành và có những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp”, phát biểu tại Hội nghị Đối thoại, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Lê Minh Sơn cho biết, các yêu cầu, đề xuất kiến nghị của doanh nghiệp tại cuộc đối thoại sẽ được giải quyết một cách thỏa đáng, trên tinh thần xây dựng, lắng nghe, chia sẻ, phù hợp với quy định của pháp luật, thể hiện sự đồng hành giữa cơ quan nhà nước cùng với các doanh nghiệp vì mục tiêu chung phát triển thành phố.

Quang cảnh buổi đối thoại

Chia sẻ thêm về sự ràng buộc khắc nghiệt của các nguyên tắc từ WTO, từ các FTAs

Tại cuộc Đối thoại, các doanh nghiệp kiến nghị đến lãnh đạo ngành Công Thương tập trung ở 4 vấn đề lớn: Xuất xứ hàng hóa; phòng vệ thương mại; xúc tiến thương mại; chính sách thuế.

Liên quan đến phòng vệ thương mại, chính sách thuế, Công ty TNHH LS Metal Vina (Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải) cho biết, ngày 25/9/2020, Cục Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) đã thông báo mở cuộc điều tra mã số CVD-08/2020 về thuế chống trợ cấp đối với các mặt hàng ống đồng xuất xứ từ các nước Malaysia, Thailand và Việt Nam vào thị trường Ấn Độ, thời gian điều tra từ 01/4/2019 đến 31/3/2020.

Theo kết luận điều tra số 04/10/2020-DGTR của Cục phòng vệ thương mại Ấn Độ, Công ty TNHH LS Metal Vina phải chịu mức thuế suất 14.76% cho các sản phẩm ống đồng xuất khẩu vào thị trường Ẩn Độ. Tuy nhiên trong thời gian điều tra nói trên, Công ty LS Metal Vina chưa từng xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ, do đó mức thuế trên áp dụng cho phía công ty là không hợp lý.

Ngày 30/9/2022, Công ty LS Metal Vina có nộp hồ sơ xin điều tra rà soát nhà xuất khẩu mới (NSR) đế xin được áp mức thuế suất hợp lý. Cho đến thời điểm hiện nay, thời gian công bố kết quả điều tra NSR bị gia hạn nhiều lần, chưa có thời gian thông báo kết quả chính thức. Công ty LS Metal Vina đã kiến nghị, yêu cầu sự giúp đỡ của Bộ Công Thương, liên hệ và làm việc với phía Chính phủ Ấn Độ trong việc thúc đẩy sớm kết thúc điều tra NSR và sửa lại một số điều trong bộ luật để phù hợp với các cam kết khi gia nhập WTO. Phía doanh nghiệp cũng mong muốn vụ việc sớm kết thúc để có thể yên tâm sản xuất và xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ.

Về vấn đề này, theo Sở Công Thương Hải Phòng, Cục Phòng vệ thương mại của Bộ Công Thương đã thông tin, việc pháp luật Ấn Độ không quy định về việc rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ việc điều tra chống trợ cấp là một việc hi hữu lần đầu tiên gặp. Thông thường, khi tiến hành điều tra áp thuế chống trợ cấp đối với một doanh nghiệp của Việt Nam, thông qua Bộ Công Thương, phía điều tra sẽ điều tra doanh nghiệp có nhận được trợ cấp/lợi ích riêng biệt nào từ Chính phủ hay không. Tuy nhiên đến nay, Sở Công Thương chưa nhận được yêu cầu này từ phía Bộ Công Thương.

Tại cuộc đối thoại, lãnh đạo Sở Công Thương cũng khuyến cáo cộng đồng doanh nghiệp khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế cần phải chấp nhận sự ràng buộc của các nguyên tắc vô cùng khắc nghiệt từ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), từ các Hiệp định thương mại (FTAs),… để tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

Sức hút của thành phố trong quá trình hội nhập kinh tế 

Tại Hải Phòng, 9 tháng đầu năm 2023, mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới biến động phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, thời cơ, nhưng một số chỉ tiêu cơ bản về lĩnh vực công thương của thành phố vẫn đạt được những kết quả nhất định.

Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 20,65 tỷ USD, tăng 0,58% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 66,61% kế hoạch năm. Tổng kim ngạch nhập khẩu: ước đạt 19,99 tỷ USD, giảm 0,11% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 66,64% kế hoạch năm. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: ước đạt 146.558,7 tỷ đồng, tăng 13,63% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 74,83% kế hoạch năm. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP): tăng 12,47% so với năm 2022.

Kết quả trên, thể hiện sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như cơ quan quản lý nhà nước.

Lãnh đạo Sở Công Thương thông tin, thời gian gần đây, các Tập đoàn, doanh nghiệp của các Quốc gia tại khu vực Châu Âu, Bắc Mỹ đến hiểu cơ hội hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp tại thành phố Hải Phòng diễn ra khá thường xuyên, ở nhiều lĩnh vực.

Điều này phần nào cho thấy sức hút của thành phố trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với hệ thống Thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài để kết nối doanh nghiệp hai bên, hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố tìm kiếm đơn hàng, phát triển xuất khẩu…

Trên cơ sở những vấn đề được đại diện các doanh nghiệp đặt ra tại cuộc đối thoại, lãnh đạo Sở Công Thương đã trả lời, giải đáp nhiều nhóm vấn đề thuộc thẩm quyền. Với những vấn đề vượt thẩm quyền, Sở Công Thương thành phố sẽ tham mưu với UBND thành phố, đề nghị các ngành, lĩnh vực liên quan trả lời; đồng thời sẽ ban hành văn bản trả lời, phúc đáp đầy đủ từng ý kiến để gửi đến các doanh nghiệp.

Thúy An và nhóm PV, BTV