Đề tài của PGS.TS Cao Thị Bích Hạnh (cầm hoa) được Hội đồng khoa học đánh giá xếp loại xuất sắc. ảnh theo Bộ KH&CN

Theo nguồn tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ, đây là tên nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố do PGS.TS Cao Thị Bích Hạnh - Trưởng Khoa Gây mê hồi tỉnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp làm chủ nhiệm được Hội đồng khoa học tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện xếp loại xuất sắc (98,14 điểm) tại Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng chiều ngày 25/10/2018.

Theo kết quả báo cáo tại hội nghị, từ tháng 10/2017 đến 10/2018, PGS.TS Cao Thị Bích Hạnh cùng các cộng sự đã nghiên cứu sử dụng, đánh giá vai trò của máy điện não số hóa Entropy để hướng dẫn, điều chỉnh độ mê ở các bệnh nhân được gây mê nội khí quản kiểm soát nồng độ thuốc mê tĩnh mạch propofol tại não cũng như nồng độ thuốc mê bốc hơi sevofluran trong não ở tất cả các giai đoạn của cuộc mê từ khi bệnh nhân còn tỉnh đến khi đủ mê để phẫu thuật và cho tới khi dần tỉnh lại, thoát mê theo 5 nhóm phẫu thuật: tiêu hóa, tiết niệu, lồng ngực, tai mũi họng, răng hàm mặt.

Tại bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, nhóm nghiên cứu thực hiện kỹ thuật gây mê sử dụng điện não số hóa cho 300 bệnh nhân phẫu thuật được chia làm 2 nhóm: Nhóm gây mê kiểm soát nồng độ đích tại não sử dụng máy TCI với thuốc mê tĩnh mạch propofol có theo dõi Entropy (150 bệnh nhân) và Nhóm gây mê kiểm soát nồng độ tối thiểu sử dụng thuốc mê bốc hơi sevofluran có theo dõi Entropy (150 bệnh nhân). Qua phân tích đánh giá các chỉ số chuyên môn, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện và đề xuất 02 quy trình gồm: Quy trình ứng dụng điện não số hóa trong điều chỉnh độ mê ở các bệnh nhân được gây mê nội khí quản kiểm soát nồng độ đích tại não hoặc nồng độ tối thiểu phế nang của thuốc mê theo 5 nhóm phẫu thuật và Quy trình điều chỉnh độ mê ở các bệnh nhân được gây mê nội khí quản kiểm soát độ đích tại não hoặc nồng độ tối thiểu phế nang của thuốc mê không sử dụng Entropy theo 05 nhóm phẫu thuật.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có thể ứng dụng điện não số hóa Entropy để hướng dẫn điều chỉnh nồng độ đích tại não của thuốc mê tĩnh mạch propofol và nồng độ tối thiểu phế nang của thuốc mê sevofluran đảm bảo gây mê đủ mức cho bệnh nhân phẫu thuật, bệnh nhân ngủ nông và tỉnh lại đúng lúc sau mổ, đảm bảo an toàn cho người bệnh. Nghiên cứu còn cho thấy xác suất tiên đoán độ mê rất cao của Entropy khi gây mê bằng propofol (82-85%) và sevofluran (86-88%). Đây là 2 loại thuốc phổ biến và ưu việt nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Việc áp dụng thành công ứng dụng điện não số hóa trong điều chỉnh độ mê ở các bệnh nhân được phẫu thuật tại Hải Phòng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng như nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong đội ngũ cán bộ y bác sĩ trên địa bàn thành phố.