Chuỗi cung ứng toàn cầu còn mong manh

Đa số các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng nhẹ so với dự báo từ đầu năm nhưng vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng năm 2022. Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại ở mức 2,1% trong năm 2023, điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo đầu năm 2023. 

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các thị trường cung cấp nguyên liệu, sản xuất bị gián đoạn, tác động tới các chuỗi cung ứng trong ngành chế tạo và lan ra khắp khu vực bởi vai trò vượt trội của Trung Quốc là cơ sở sản xuất. Việc đóng cửa hàng nghìn nhà máy ở Trung Quốc đồng nghĩa với việc hoạt động sản xuất sẽ bị gián đoạn ở các nước sử dụng linh kiện do Trung Quốc sản xuất. Thậm chí, ngay cả ở các công ty không liên hệ trực tiếp với Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng.

Doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất khi đại dịch COVID-19 tác động trực tiếp thị trường xuất nhập khẩu, thị trường tiêu thụ nguyên vật liệu. Nhiều đối tác ở các nước ngừng giao dịch, thậm chí xin hủy đơn hàng đã ký trước. Bối cảnh đó buộc các doanh nghiệp phải chủ động sắp xếp lại tổ chức, dây chuyền sản xuất và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho xuất khẩu phải đối mặt với tình trạng các đơn hàng nước ngoài không ngừng sụt giảm. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế tạo và chế biến của Việt Nam đều sụt giảm.

Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có nhiều định hướng trong việc duy trì, ổn định các hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nhưng do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên số lượng doanh nghiệp chế biến, chế tạo rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, số lượng doanh nghiệp chế biến, chế tạo tạm dừng kinh doanh có thời hạn là 4.225 doanh nghiệp, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh nghiệp chế biến, chế tạo hoàn tất thủ tục giải thể là 1.138 doanh nghiệp, tăng 29,8%.

Đứt gãy chuỗi cung ứng kéo theo những hạn chế của chuỗi cung ứng đường dài. Những chuỗi cung ứng đường dài này có thể khiến doanh nghiệp đối mặt với tình cảnh hàng tồn kho chất chồng. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 24,3% (tháng 6-2021) so với cùng thời điểm năm 2020 (tăng 26,7%). Trong đó, một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao, như sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; dệt; sản xuất chế biến thực phẩm; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất.

Mở rộng giao thương

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của ngành Công Thương ngày 7/7/2023, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho hay, thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại đã tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại đa dạng, sôi nổi, góp phần phát triển thị trường, kích thích tiêu dùng cả trong và ngoài nước, qua đó thúc đẩy sản xuất, duy trì và phát triển hoạt động xuất nhập khẩu.

Khai mạc Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam - Vietnam Expo 2023

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ và định hướng của ngành Công Thương, 6 tháng đầu năm 2023, Cục Xúc tiến thương mại đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp mà nòng cốt là Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu, góp phần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp chung vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cụ thể, để thúc đẩy tiêu dùng và kích cầu thị trường trong nước, các đề án phát triển thị trường trong nước đã tập trung vào các nội dung chính như hội chợ công thương, hội chợ thương mại - du lịch, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP cấp vùng đã được triển khai tại các vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc, Trung, Nam tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và các địa phương gặp gỡ giao thương, quảng bá hình ảnh, tiềm năng sản xuất, thương mại, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.

Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại cũng đã tổ chức thành công chuỗi Chương trình kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp địa phương với các hệ thống phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại với quy mô lớn tại 3 khu vực: miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam.

Thống kê sơ bộ cho thấy, chương trình đã thu hút 58 địa phương và 550 doanh nghiệp trưng bày, kết nối giao thương trực tiếp với các nhà phân phối, hệ thống siêu thị trong nước như Central Retail, WinCommerce, BRG, MM Mega Market, Winmart, Lotte,… và 50 cặp giao thương trực tuyến với khách hàng quốc tế tại Hàn Quốc, Hà Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, UAE,…

Việc quảng bá ngành hàng xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam cũng được Cục Xúc tiến thương mại đẩy mạnh thông qua việc xây dựng và phát triển các sản phẩm truyền thông cho 3 ngành hàng là hạt điều, hạt tiêu và dừa; và 5 sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ ở châu Âu bằng 6 ngôn ngữ theo Liên hợp quốc và gửi các cơ quan thương vụ phối hợp truyền thông tại các sự kiện xúc tiến thương mại, kinh tế, ngoại giao và văn hoá chính trị phù hợp.

Bên cạnh hoạt động xây dựng, quảng bá thương hiệu, công tác bảo vệ thương hiệu cũng được Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trú trọng, tập trung triển khai các chương trình Xây dựng giải pháp hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động xuất nhập khẩu và tổ chức các hội nghị đào tạo về các tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu, xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu cho các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam.

Phương Thúy và nhóm PV, BTV