Nhiều năm nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định, nguồn vốn chính sách đã góp phần giúp 46.880 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 21.834 lao động, 48 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn tạo sinh kế tái hòa nhập cộng đồng.
Đối với giáo dục đào tạo, nguồn vốn này còn giúp 8.805 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để tiếp tục học tập, thực hiện tốt mục tiêu của Chính phủ không để học sinh nào phải nghỉ học vì không có tiền đóng học phí; 976 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn được vay vốn mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, hỗ trợ 19 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, tỉnh còn xây dựng 323.156 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, góp phần cải thiện môi trường xanh, sạch, không bị ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư nông thôn; xây dựng 919 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, đóng góp tích cực giải quyết vấn đề an sinh xã hội.
Nam Định được đánh giá là tỉnh đạt hiệu quả trong việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Cụ thể, tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) đã giảm từ 6,78% xuống còn 3,85% (giảm 2,93%). Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,74% xuống còn 1,09% (giảm 0,65%, tương đương 4.047 hộ); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 5,04% xuống còn 2,76% (giảm 2,28%, tương đương 14.259 hộ). Trong ảnh, hộ nghèo, đối tượng chính sách vay vốn tại điểm giao dịch xã Giao Tân, huyện Giao Thủy, Nam Định.
Có thêm vốn vay ưu đãi, gia đình anh Nguyễn Văn Quân ở xóm 15, xã Xuân Ninh, Xuân Trường có điều kiện mở rộng nhà xưởng sản xuất cơ khí thu hút 5 lao động.
Nhiều hộ dân ở xã Giao Châu, huyện Giao Thủy, Nam Định được vay vốn ưu đãi đầu tư mua sắm ngư cụ đánh bắt hải sản.
Tại Nam Định, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và các chính sách giảm nghèo; từng bước cải thiện, nâng cao điều kiện sống; đảm bảo giảm nghèo bền vững. 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo, lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng và nghiệp vụ giảm nghèo.
Gia đình ông Trần Minh Sơ ở xóm Mỹ Bình, xã Giao Châu, huyện Giao Thủy vay vốn ưu đãi duy trì, phát triển nghề làm nước mắm đạt được hiệu quả cao.
Thành phẩm nước mắm của gia đình ông Trần Minh Sơ ở xóm Mỹ Bình, xã Giao Châu, huyện Giao Thủy.
Vốn vay ưu đãi đã giúp gia đình anh Nguyễn Quốc Khánh ở xóm Hải Tân, xã Giao Hải, huyện Giao Thủy có điều kiện cải tạo ao nuôi cá, mỗi năm thu hàng chục tấn cho giá trị kinh tế cao.
Các cấp, ngành liên quan tại tỉnh Nam Định còn thường xuyên rà soát, thẩm định, thống kê số lượng người nghèo, hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Qua đó, huy động mọi nguồn lực chăm lo giúp đỡ; tuyên truyền nhân dân không trông chờ, ỷ lại, thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Vốn vay giải quyết việc làm giúp gia đình ông Phạm Văn Toán ở xã Xuân Châu, huyện Xuân Trường có điều kiện mở rộng nhà xưởng gia công túi bảo vệ môi trường thu hút nhiều lao động địa phương.
Công nhân sản xuất tại xưởng của gia đình ông Phạm Văn Toán.
Thành phẩm túi giấy, vải sản xuất tại xưởng của gia đình ông Phạm Văn Toán.
Gia đình anh Nguyễn Thế Mạnh ở thị trấn Xuân Trường vay 100 triệu giải quyết việc làm đầu tư trồng nấm ăn, nấm dược liệu thu hút 6-10 lao động. Những mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả đã giúp nhiều hộ gia đình giảm nghèo bền vững. Kiến thức, kinh nghiệm, gương điển hình trong công tác xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu của các cá nhân, gia đình trên địa bàn tỉnh đều được phổ biến rộng rãi.