Ngân Sơn là một trong hai huyện nghèo nhất của tỉnh Bắc Kạn, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2023 là gần 44% (chỉ sau Pác Nặm). Với địa hình chia cắt, trình độ dân trí không đồng đều, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đến thôn bản còn khó khăn, giảm nghèo bền vững, tiếp cận theo hướng đa chiều, bao trùm, là bài toán khó đối với địa phương, đòi hỏi nhiều nỗ lực nội tại và sự đồng hành của nhà nước.
Để tiếp tục triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, ngay từ đầu năm 2024, UBND huyện Ngân Sơn đã ban hành Kế hoạch, trong đó tăng cường các giải pháp giảm nghèo. Các cơ quan thường trực, chuyên môn, các xã, thị trấn thường xuyên phối hợp, rà soát, điều chỉnh kịp thời, đảm bảo tiến độ giải ngân, hiệu quả dự án; tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ, kết quả thực hiện chương trình.
Đến nay, UBND huyện đã tiến hành kiểm tra được 10/10 xã, thị trấn về công tác giảm nghèo 6 tháng đầu năm. Tỷ lệ giải ngân của chương trình (cả vốn sự đầu tư và sự nghiệp) đạt 27,9%.
Đầu tháng 7, đoàn công tác huyện Ngân Sơn đã có cuộc kiểm tra, nắm tình hình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia trong đó có Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn thị trấn Vân Tùng, xã Thuần Mang và Thượng Quan.
Tại thị trấn Vân Tùng, báo cáo tại buổi kiểm tra cho thấy đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2024, thị trấn tổng cộng được giao hơn 2,1 tỷ đồng, trong đó nguồn giao năm nay là hơn 1,4 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, thị trấn đã và đang triển khai thực hiên Dự án chăn nuôi trâu, bò sinh sản và hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, cận nghèo.
Xã Thuần Mang đã thực hiện khởi công mới và duy tu bảo dưỡng 4 công trình, đồng thời thực hiện các mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng và hỗ trợ xây dựng 15 nhà ở kiên cố cho hộ nghèo.
Thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã đã vận động Quỹ Vì người nghèo và tháng cao điểm "Ngày vì người nghèo" hàng năm được trên 64 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí này, xã hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn. Vận động hỗ trợ và tiếp nhận hỗ trợ từ các kênh, xã đã xây dựng sửa chữa được 14 nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí 430 triệu đồng...
Xã cũng khai thác nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia khác để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, thực hiện hỗ trợ xây dựng 10 nhà ở cho hộ nghèo (hiện đã xây dựng xong 4 nhà, 2 nhà đang thi công). Với mục tiêu đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, xã đã hỗ trợ khoán hơn 850ha rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng hơn 2.000ha, với 302 hộ gia đình hưởng lợi.
Trên toàn huyện Ngân Sơn, để thúc đẩy tiến trình giảm nghèo nhanh, bền vững, đa chiều, huyện xác định tạo sinh kế, việc làm là căn bản, từ đó vận dụng nhiều chính sách để giúp người lao động tiếp cận dịch vụ việc làm.
6 tháng đầu năm 2024, số tiền cho vay trên địa bàn huyện Ngân Sơn đạt hơn 50 tỷ đồng, với gần 800 hộ vay vốn. Trong đó, nguồn vốn tín dụng ưu đãi giúp cho hơn 2.700 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và trên 1.000 hộ gia đình tại vùng khó khăn có vốn đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Từ nguồn vốn giải quyết việc làm, hơn 780 lao động được tạo việc làm, 68 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài…
Ngoài ra, hơn 230 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng, cải tạo và sửa chữa nhà ở cũng từ nguồn vốn này, đồng thời xây dựng và cải tạo hơn 2 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh. 6 tháng cuối năm 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phấn đấu làm tốt công tác giải ngân, tăng trưởng dư nợ tạo mọi điều kiện để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn.
Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, Ngân Sơn được bố trí gần 7 tỷ đồng (trong đó vốn năm 2023 chuyển sang hơn 741 triệu đồng, còn lại là vốn năm 2024). Hiện nay có 10/10 dự án đã thẩm định. Tuy nhiên, UBND huyện cho biết do tình hình dịch tả lợn châu Phi, các dự án chăn nuôi lợn đang tạm dừng thực hiện để theo dõi diễn biến dịch bệnh, chưa giải ngân.
Để giải quyết những khó khăn đối với dự án chăn nuôi lợn do dịch bệnh, huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đề xuất phương án thực hiện (điều chỉnh dự án nếu dịch bệnh không có chiều hướng tích cực); cùng đó tuyên truyền, vận động người dân tham gia dự án chuẩn bị các điều kiện như chuồng trại, đất đai… để sẵn sàng triển khai được ngay khi dịch bệnh kết thúc hoặc khi được cấp cây giống.