Sự việc được phát hiện ngày 20/6, nhiều hộ dân nuôi cá lăng tại lòng hồ thuỷ điện Ia Ly (địa bàn xã Ya Ly, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) tá hỏa phát hiện cá trong lồng có biểu hiện yếu, nổi lên mặt nước và chết hàng loạt.
Ông Nguyễn Trường Sơn (51 tuổi, trú xã Ya Ly) cho biết, gia đình ông thả nuôi 15.000 con cá lăng giống từ 1 năm trước, với giá gần 150 triệu đồng. Hiện cá lớn nặng 2,2kg, con nhỏ nhất là 1kg, khoảng 1 tháng nữa thì xuất bán.
Theo ông Sơn, số cá bị chết khoảng 10 tấn. Khi mới phát hiện thì còn bán được 50.000 đồng/1 con, sau đó bị sình thì họ chỉ mua để ủ làm phân với giá 7.000 đồng/1 kg.
“Nếu bình thường, giá thị trường là 150.000 đồng/kg, trừ hao phí cũng thu được hơn 1 tỷ đồng. Thế nhưng, chúng tôi chỉ vớt vát được gần 100 triệu đồng”, ông Sơn rầu rĩ.
Cũng nuôi cá lồng tại lòng hồ thủy điện, ông Võ Đình Sơn (64 tuổi, làng Chờ, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy) thông tin, gia đình ông thả 5.000 con giống từ tháng 7/2023 theo mô hình chăn nuôi của trung tâm khuyến nông huyện.
“Hiện tại đã tới ngày thu hoạch, con to đã 3kg, con nhỏ 1,5kg. Vừa rồi tiến hành nghiệm thu, dự án được đánh giá rất tốt. Do còn một số cá dưới 2kg nên gia đình muốn nuôi thêm 2 tháng nữa cho đủ trọng lượng thì xuất bán 1 lần luôn”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, thời gian gần đây nước hồ đột ngột xuống thấp làm thay đổi môi trường sống, khiến cá chết la liệt, phải bán tống bán tháo để vớt vát. Chỉ 3 tháng gần đây, mỗi tháng gia đình phải chi phí khoảng 100 triệu đồng tiền thức ăn, chưa kể thuốc men. Giờ như thế này là cụt vốn, không thể vay mượn để tái đàn.
“Bà con muốn tái tạo đàn nhưng kinh phí đã trôi theo con nước nên không biết bấu víu vào đâu. Rất mong chính quyền các cấp có phương án hỗ trợ con giống và nguồn thức ăn trước mắt để giúp đỡ bà con khôi phục lại”, ông Sơn mong muốn.
Thiệt hại nhất trong số các hộ nuôi cá lồng tại thủy điện Ia Ly là gia đình ông Vũ Văn Bình (60 tuổi). Ông Bình có 10 lồng cá, thả 30.000 con giống. Sự cố vừa rồi khiến 10 tấn cá bị chết, chỉ bán giá ủ phân được khoảng 70 triệu đồng. Nếu để đến tháng 10/2024, số cá mà gia đình nuôi sẽ được khoảng 20 tấn, thu khoảng 3 tỷ đồng.
Báo cáo của UBND xã Ya Ly cho biết, theo phản ánh của người dân, từ ngày 18/6, mực nước lòng hồ thủy điện Ia Ly bắt đầu xuống khoảng 1m, ngày 19/6 nước tiếp tục rút xuống 2m. Đến ngày 20/6, mực nước xuống nhanh và kết hợp mưa lớn dẫn đến nước đục, cá bị sốc nước, thiếu oxi và ngợp nước dẫn đến 25,05 tấn cá bị chết, ước thiệt hại khoảng 3,8 tỷ đồng.
Ngày 21/6, UBND xã Ya Ly cho hay, sau khi nhận được thông tin, xã đã kịp thời báo cáo tình hình thiệt hại của các hộ dân về Thường trực Huyện ủy, UBND huyện và phối hợp cơ quan chuyên môn của huyện xuống kiểm tra tình hình, đánh giá sơ bộ thiệt hại. Đồng thời, huy động các lực lượng, cán bộ, công chức và nhân dân hỗ trợ các hộ dân vớt cá, vận chuyển và hỗ trợ đi bán lẻ để giảm bớt thiệt hại cho các hộ dân.
Cũng theo UBND xã Ya Ly, Phòng Nông nghiệp và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã hỗ trợ 3 chuyến xe để vận chuyển cá đi tiêu thụ. Tính đến 15h ngày 20/6, đã tiêu thụ được khoảng 5 tấn cá cho các hộ dân trong huyện, số lượng còn lại các hộ bảo quản và tiếp tục chở đi các nơi tiêu thụ, số cá bị ươn thì bán để ủ phân.
Ông Ưng Văn Thanh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum cho hay, mức độ thiệt hại đối với các hộ gia đình nuôi cá là tương đối lớn. Hiện Chi cục đang tiến hành lấy mẫu nước để quan trắc xem có chỉ số gì bất thường không. Theo hình ảnh ghi nhận, nước có đục hơn bình thường, mực nước thấp hơn nhiều so với hình ảnh đã ghi lại trước đó.