-Trên địa bàn TP Hà Nội có khá nhiều công trình xây dựng sai phép, trái phép. Có những công trình đã bị cơ quan chức năng cưỡng chế, tháo dỡ, nhưng cũng có những công trình vẫn ngang nhiên tồn tại.

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ kéo theo việc xuất hiện của hàng loạt những tòa nhà cao tầng mọc lên như nấm trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, bên cạnh những công trình được phép xây dựng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội thì lại có hàng loạt ngôi nhà cao tầng xây vượt phép và không phép ngang nhiên tồn tại gây nên nhiều bức xúc cho người dân và cơ quan quản lý.

Công trình xây cao hơn Lăng Bác

Tòa nhà Kinh Đô Tower tại số 8B Lê Trực chủ đầu tư đã tự ý điều chỉnh tăng chiều cao thêm khoảng 16m, tương đương 5 tầng và xây dựng thêm tầng 19.

Ngày 30/9, UBND TP Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng về quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng tại dự án này.

Báo cáo cho biết, chủ đầu tư đã xây xong phần thô công trình cao tầng; công trình thấp tầng chưa triển khai. Phần cao tầng đã sai với giấy phép xây dựng.

{keywords}
Công trình sai phạm tại 8B Lê Trực

Cụ thể từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái. Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44m công trình giật cấp vào 15m và tại độ cao 50m giật cấp tiếp thêm 5,3m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.

Theo giấy phép xây dựng, công trình cao đến đỉnh tum thang là 53m. Thực tế chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69m (vượt 16m, tương đương 5 tầng).

Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000m2, tăng trên 6.000m2 so với giấy phép.

“Những vi phạm xây dựng của chủ đầu tư về quy mô, khối tích công trình cả về chiều cao và chiều rộng là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hình dáng công trình và không gian kiến trúc khu vực”, theo ý kiến của UBND thành phố Hà Nội.

"Với chủ đầu tư cố ý xây dựng sai giấy phép, UBND thành phố kiên quyết xử lý đúng quy định pháp luật; nhất là về chiều cao, khoảng lùi, khoảng giật và hình thái không gian kiến trúc". Hà Nội cũng sẽ xem xét xử lý trách nhiệm các tổ chức và cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm trong trật tự xây dựng.

Dự án Thăng Long Garden với hàng loạt sai phạm

Dự án Thăng Long Garden (250 Minh Khai) do Công ty Cổ phân May Thăng Long làm chủ đầu bị khách hàng “tố” xây dựng nhiều hạng mục sai so với thiết kế được phê duyệt.

Khách hàng mua căn hộ tại dự án này rất bức xúc khi phát hiện chủ đầu tư xây dựng các công trình sai so với Quy hoạch TMB tỷ lệ 1/500 và Phương án kiến trúc được duyệt cùng Giấy phép xây dựng được cấp kèm theo hồ sơ thiết kế.

{keywords}

 

{keywords}
Sai phạm tại dự án Thăng Long Garden

Trên bản vẽ Mặt bằng quy hoạch tổng thể tỷ lệ 1/500 được Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội duyệt kèm theo văn bản số 1123/QHKT-P2 ngày 10/6/2008, tổng diện tích cây xanh, vườn hoa là 2.705m2 chiếm 20,5 % diện tích đất dự án, tổng diện tích đất giao thông, đỗ xe 5.835 m2 chiếm 44,2% diện tích đất dự án, và đường giao thông dẫn vào khu nhà A2, A3 chạy bên sườn Đông nhà A1 có lòng đường 9m, vỉa hè mỗi bên 2m.

Tuy nhiên, nhiều diện tích cây xanh, thảm cỏ tại dự án này đã bị chủ đầu tư chiếm dụng và xây dựng thành các tòa nhà.

Bên cạnh đó, theo Phương án Kiến trúc sơ bộ được Sở Quy hoạch Kiến trúc duyệt kèm theo văn bản số 1123/QHKT-P2 và Giấy phép xây dựng số 33/GPXD cấp ngày 18/3/2011 kèm theo Hồ sơ thiết kế của Sở Xây dựng Hà Nội, hành lang nhà A3 rộng 2,4m (trục 3-4). Trên thực tế, Công ty đã thi công cắt giảm còn 2,1m.

Ngoài các sai phạm so với bản vẽ Mặt bằng quy hoạch tổng thể tỷ lệ 1/500 được phê duyệt, tại dự án này còn rất nhiều những sai phạm nghiêm trọng khác.

Sau khi UBND, Bộ Xây dựng có chỉ đạo về xử lý những sai phạm này, UBND phường Minh Khai đã ban hành 4 Quyết định cưỡng chế phá dỡ đối với các công trình xây dựng vi phạm quy hoạch được duyệt.

Hàng loạt công trình sai phạm đang “xẻ thịt” công viên Tuổi trẻ

Dự án công viên Tuổi trẻ Thủ đô (quận Hai Bà Trưng) có tổng diện tích khoảng 26,43ha được TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 ngày 29/12/2000, do Công ty Thương mại và Đầu tư phát triển Hà Nội làm chủ đầu tư.

Thay bằng việc phát triển công viên Tuổi trẻ Thủ đô theo hướng trở thành Trung tâm Thanh thiếu niên Hà Nội thì nhiều năm nay, công viên đang bị “xẻ thịt” kinh doanh trái phép.

{keywords}
Công viên Tuổi Trẻ đang bị xẻ thịt.

Theo kiểm tra của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, tại công viên Tuổi trẻ Thủ đô tồn tại nhiều hạng mục công trình đang khai thác sử dụng không phù hợp với quy hoạch được duyệt.

Cụ thể, nhà hàng Queen Bee gần khu ống trượt nước cảm giác mạnh vốn là đất quy hoạch trồng cây xanh nhưng hiện đã xây dựng nhà hàng 2 tầng kinh doanh ăn uống.

Công trình khu văn phòng công ty theo quy hoạch là khu nhà văn hóa, ban quản lý dự án và các hoạt động.

{keywords}
Nhà hàng Qeen Bee trên diện tích đất quy hoạch xây dựng cây xanh

Công viên có 12 sân tennis, trong đó 4 sân có mái che, 8 sân không có mái che (theo quy hoạch vị trí này chỉ có 4 sân tennis ngoài trời không có mái che, còn lại là vườn cây xanh). Ngoài ra, 3 sân bóng đá mini theo quy hoạch là khu nhà văn hóa, ban quản lý dự án và các hoạt động.

Trước những sai phạm kéo dài trên, ngày 21/7/2015, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có kết luận, yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng khẩn trương tổ chức xử lý dứt điểm toàn bộ vi phạm trật tự xây dựng tại công viên Tuổi trẻ Thủ đô và chịu trách nhiệm trước thành phố về tiến độ, kết quả xử lý.

Dự án sai phạm nghiêm trọng vẫn ngang nhiên tồn tại

Công trình nhà dịch vụ nằm trong D.A khu nhà ở cao cấp BMM tại phường Phúc La, Hà Đông, Hà Nội do Công ty Sản xuất thương mại BMM (Công ty BMM) làm chủ đầu tư xây vượt tầng và tồn tại nhiều sai phạm nghiêm trọng khác. Các cơ quan chức năng đã có văn bản đề nghị xử lý các vi phạm, thế nhưng, công trình vẫn ngang nhiên tồn tại.

Theo Kết quả thẩm định thiết kế cơ sở số 251/SXD-TĐ ngày 7/7/2008 của Sở Xây dựng Hà Tây thì công trình nhà dịch vụ có quy mô 2 tầng với diện tích xây dựng 180m2 trên tổng diện tích khu đất là 902m2. Công trình này nằm trong quần thể của dự án (D.A) khu nhà ở cao cấp BMM có chức năng phục vụ nhu cầu dân sinh của cộng đồng dân cư D.A.

{keywords}

Dự án khu nhà ở cao cấp BMM tại phường Phúc La, Hà Đông với nhiều sai phạm


Thực tế triển khai xây dựng, chủ đầu tư - Công ty BMM đã cố tình xây dựng sai quy hoạch. Tại biên bản kiểm tra D.A khu nhà ở cao cấp BMM ngày 17/3/2015, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã chỉ rõ công trình đang triển khai xây dựng phần thô 7 tầng + 1 tum, diện tích sàn xây dựng khoảng 250m2/tầng. Như vậy, phần xây dựng sai quy hoạch lên tới 5,5 tầng và mỗi tầng vượt 70m2 diện tích xây dựng theo thiết kế được các cơ quan chức năng phê duyệt ban đầu.

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ đầu tư Công ty BMM: “Tạm dừng thi công xây dựng đối với hạng mục công trình nhà dịch vụ do thi công không phù hợp với quy hoạch được duyệt”.

Thế nhưng chủ đầu tư công ty BMM vẫn tiếp tục rốt ráo hoàn thiện công trình sai phạm để đưa vào sử dụng, như chưa hề có sự kiểm tra, đình chỉ của cơ quan chức năng?

Cao ốc số 4 Đặng Dung phải cắt ngọn 13,1m

Tòa nhà số 4 Đặng Dung được Sở Xây dựng cấp phép cho Công ty TNHH Nam Hưng xây dựng 13 tầng, 1 tầng kỹ thuật, 1 tầng áp mái, cao 56,1 m. Tuy nhiên, công trình đã xây vượt 8 tầng, cao 69,2 m (vượt phép 13,1 m). Ngoài ra, công trình còn vi phạm về diện tích xây dựng: từ tầng 1 đến tầng 3 diện tích xây dựng được nâng từ 671m2 lên 749,1m2.

{keywords}
Cao ốc số 4 Đặng Dung phải cắt ngọn 13,1m (Ảnh : VOV)

Công trình số 2 ngõ 31 Nguyễn Chí Thanh được UBND quận Ba Đình cấp phép xây nhà ở 5 tầng và 1 tum nhưng đã xây dựng thành khách sạn 10 tầng và 1 tầng hầm.

Theo phương án do Sở Xây dựng phê duyệt, chủ công trình số 4 Đặng Dung phải cắt 13,1m chiều cao vượt phép; chủ công trình số 2/31 Nguyễn Chí Thanh phải cắt 20,6m (cắt 5/10 tầng sai phạm).

Cắt ngọn' cao ốc 15 tầng bên Hồ Tây

Công trình 15 tầng bên Hồ Tây được cấp phép 10 tầng và tầng hầm, nhưng chủ đầu tư đã xây dựng công trình 15 tầng (vượt phép 4 tầng, vượt độ cao 17m, vượt diện tích hơn 1.120 m2); tầng hầm vượt chỉ giới 1,5m.

{keywords}
Cao ốc bên Hồ Tây bị cắt ngọn

Sau khi bị đình chỉ tuyệt đối ( 23/3), chủ đầu tư vẫn cố tình tiếp tục cho hoàn thiện công trình.

8h sáng 31/5/2007, UBND quận Tây Hồ đã tổ chức cưỡng chế “cắt ngọn” công trình sai phạm 15 tầng bên Hồ Tây (16 tổ 6 cụm 2, phường Bưởi). Việc cưỡng chế diễn ra khá thuận lợi.

Tòa nhà 8 tầng xây vượt quy định ở khu phố cũ

Trong tập thể ngõ số 8 Lý Nam Đế, công trình nhà A3 đã xây xong phần thô 8 tầng và đang trong quá trình hoàn thiện. Chiều cao nhà A3 khá nổi bật so với các nhà xung quanh hầu hết xây 3-4 tầng.

{keywords}
Tòa nhà xây 8 tầng tại phố Lý Nam Đế

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Mã: quy định xây dựng cho phép các phố cũ như Lý Nam Đế có thể xây 6 tầng một tum. Không có chuyện chính quyền phường làm ngơ, tuy nhiên công tác giám sát chưa được chặt chẽ dẫn đến vi phạm.

Mới đây, UBND phường Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) đã đình chỉ thi công tòa nhà A3 khu tập thể số 8 Lý Nam Đế vì sai so với giấy phép được cấp.

Hoàng Anh (tổng hợp)