Hàng loạt Giám đốc dự án sẽ “mất ghế” nếu không chịu... tiêu tiền!
Bộ trưởng Giao thông vận tải khẳng định sẽ điều chuyển cán bộ theo cách của Ban Tổ chức Trung ương và Viện kiểm sát Nhân dân tối cao.
Có tiền mà không tiêu: Xử lý Giám đốc!
Tính đến hết tháng 10/2019, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã giải ngân được 9.405 tỷ đồng, đạt 35,7% kế hoạch giải ngân (26.322 tỷ đồng), so với dự kiến giải ngân đã xây dựng, kết quả này thấp hơn dự kiến 5.731 tỷ đồng.
Cuộc họp kiểm điểm giải ngân vốn đầu tư công tại Bộ GTVT chiều 4/11 |
Bộ GTVT cho biết, số vốn còn lại phải giải ngân từ nay đến cuối năm là rất lớn với khoảng 16.917 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở các Ban Quản lý dự án (QLDA), chủ đầu tư, cụ thể: Ban QLDA Thăng Long (1.848 tỷ đồng), Ban QLDA 7 (1.850 tỷ đồng), Ban QLDA 6 (1.355 tỷ đồng), Ban QLDA Đường sắt (1.130 tỷ đồng), Tổng công ty Cửu Long (902 tỷ đồng), Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (1.090 tỷ đồng), Tổng cục Đường bộ Việt Nam (985 tỷ đồng)…
Nguyên nhân giải ngân chậm do hầu hết các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam chưa thực hiện được công tác chi trả đền bù giải phóng mặt bằng; các dự án đường bộ cấp bách sử dụng vốn ngân sách 15.000 tỷ đồng, dự án ODA sử dụng vốn dư chưa xong thủ tục đấu thầu xây lắp hoặc chưa ứng hợp đồng…
Tại cuộc họp này, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhắc đi nhắc lại yêu cầu kiên quyết rằng: “Nếu các đơn vị giải ngân đạt dưới 95% kế hoạch vốn giao thì cuối năm sẽ đánh giá, xếp loại lãnh đạo đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ. Tôi chính là người ký xếp loại”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT đã có Nghị quyết về công tác cán bộ và công khai từ lâu. Theo đó, nếu không hoàn thành kế hoạch giải ngân, Bộ sẽ điều chuyển cán bộ và chắc chắn sẽ làm kiên quyết.
“Tôi nói trước, Ban QLDA 2 đang chuẩn bị trống ghế Giám đốc, Ban Hàng hải chuẩn bị trống Giám đốc, một số Ban khác cũng sẽ trống ghế Giám đốc. Chúng tôi sẽ không bổ sung Giám đốc mà sử dụng những chiếc ghế đó để thử thách, đánh giá năng lực cán bộ.” - Bộ trưởng GTVT khẳng định.
Người đứng đầu ngành GTVT đặc biệt nhấn mạnh “việc điều chuyển cán bộ được thực hiện theo cách làm của Ban Tổ chức Trung ương, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao”, sẽ điều chuyển, đào tạo và xét năng lực cán bộ một cách nghiêm khắc.”.
“Truy” chất lượng công trình
Một vấn đề khác được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhắc tới tới trong cuộc họp chiều 4/11 là chất lượng xây dựng công trình. Theo ông Thể, đây là mối quan tâm đặc biệt của cả xã hội, vì vậy trách nhiệm của các chủ đầu tư rất nặng nề.
“Chất lượng công trình là vấn đề hàng đầu. Tiến độ là quan trọng nhưng không quan trọng bằng chất lượng” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định và yêu cầu các chủ đầu tư phải quan tâm đặc biệt tới chất lượng công trình, tới đội ngũ thực hiện dự án.
Mới đây, Dự án đường Hồ Chí Minh qua thị trấn Chư Sê (tỉnh Gia Lai) vừa làm xong đã nứt toác |
Bộ trưởng GTVT cho biết đã giao cho Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cùng Vụ Tổ chức cán bộ rà soát lại chức năng nhiệm vụ của các Ban QLDA, các chủ đầu tư và giao trách nhiệm chính cho các Giám đốc Ban.
“Hiện nay có tình trạng Giám đốc Ban giao cho các Phó Giám đốc ký tá để lách luật, nhưng từ nay Giám đốc Ban phải trực tiếp chịu trách nhiệm toàn bộ. Cũng từ nay, mọi công việc không phải các Ban đưa lên Thứ trưởng hết còn cấp dưới thì lơ nga lơ ngơ, một số văn bản phải do Cục QLXD&CLCTGT và các Giám đốc Ban xử lý, chịu trách nhiệm.”
Đề cập tới các dự án điển hình đang bị hư hỏng hiện nay là đường Hồ Chí Minh qua Chư Sê (tỉnh Gia Lai) và cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh phải làm rõ trách nhiệm, “truy” xem ai đã bỏ qua những phản ánh của nhân dân.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ rõ việc khắc phục là của nhà thầu nhưng những người có liên quan tới dự án không thể vô can, phải chịu trách nhiệm cụ thể và chắc chắn phải bị kỷ luật, đồng thời đề nghị các Giám đốc Sở GTVT địa phương tăng cường giám sát dự án đi qua.
(Theo Dân trí)