- Khi thấy trẻ có triệu chứng sốt, ói, đau đầu, người lớn, và thậm chí là cả bác sĩ nghĩ trẻ chỉ bị sốt siêu vi. Tới khi trẻ lên cơn co giật mới biết bệnh thì đã muộn.
Khoa Nhiễm - Thần kinh Bện viện Nhi Đồng 1 TP.HCM hiện đang có 6 bệnh nhi phải thở máy vì bệnh viêm não Nhật Bản.
Ngồi thất thần bên cạnh giường của một bệnh nhi duy trì sự sống nhờ máy móc, chị Huỳnh Lan quê Bến Tre cho biết, con trai 10 tuổi điều trị viêm não Nhật Bản từ tháng 10/2016 tới nay.
Các bác sĩ tiên lượng tình hình con trai chị rất xấu khi vẫn phải tiếp tục thở máy, ăn uống qua đường tĩnh mạch, chưa biết khi nào khỏi bệnh.
Trẻ hôn mê, thở máy vì viêm não Nhật Bản |
Theo chị Lan, con chị đang rất khỏe mạnh thì bỗng dưng bị sốt, ói. Gia đình đưa đến bệnh viện địa phương và các bác sĩ chẩn đoán bé bị sốt siêu vi.
Về nhà uống thuốc nhưng bé vẫn không hết sốt. Lo lắng nên chị đưa lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 kiểm tra.
Vừa tới viện, bé trai 10 tuổi bỗng dưng co giật. Chị lặng người khi các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm não phải nhập viện cấp cứu.
Qua xét nghiệm dịch não tủy, các bác sĩ xác định bệnh nhi bị viêm não Nhật Bản. Chị Lan kể rằng từ lúc sinh ra tới nay, bé trai chưa từng được chích ngừa bệnh này.
Cách đó không xa là bé gái 12 tuổi quê Long An. Gạt dòng nước mặt, chị Minh - mẹ bệnh nhi chia sẻ, con chị đã phải thở máy từ tháng 8/2016. Bác sĩ nhận định tình trạng bé rất nặng, nếu có bình phục thì cũng mang di chứng nặng nề, thậm chí có khi phải sống thực vật.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho hay, hàng năm vào khoảng tháng 5, tháng 6 đến đầu tháng 10 là mùa của bệnh viêm não Nhật Bản.
Bệnh phát sinh nhiều ở khu vực miền Nam, đặc biệt là khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Bệnh lây qua vật trung gian là muỗi Culex, dân gian hay gọi là "muỗi ruộng". Muỗi đốt heo, chim rồi mang mầm bệnh truyền sang người, do đó ở vùng nông thôn vừa làm ruộng vừa có nuôi heo là nơi bệnh dễ gặp nhất.
Muỗi đốt heo, chim và khi chích vào trẻ sẽ lây mầm bệnh viêm não Nhật Bản |
Theo BS Khanh, bệnh nhi mắc viêm não thường rất khó phát hiện sớm. Những triệu chứng ban đầu của viêm não Nhật Bản như sốt, ói, nhức đầu...cũng giống như những bệnh thông thường khác.
Do đó, khi bệnh mới khởi phát giai đoạn đầu, các bác sĩ hay chẩn đoán nhầm thành sốt siêu vi.
Viêm não diễn biến bệnh rất nhanh, sau 3 ngày, có khi chỉ sau 1 ngày, bệnh nhi đã có biểu hiện co giật, rơi vào hôn mê, phải thở máy.
Trẻ khi mắc bệnh này, khoảng 60% sẽ khỏi bệnh và hồi phục hoàn toàn, 30% có di chứng và dưới 10% tử vong. Mỗi trẻ phải điều trị ít nhất 10 ngày, có khi kéo dài cả tháng.
Di chứng bệnh thường rất nặng nề, có trẻ sống đời sống thực vật, cuối cùng thì cũng bị bội nhiễm phổi và tử vong. Trường hợp lành thì sẽ chậm phát triển về trí tuệ, khả năng hòa nhập cộng đồng rất kém. Thậm chí có em bị động kinh hoặc yếu liệt chi.
Khi thấy trẻ có các biểu hiện của nhiễm siêu vi như sốt, nôn ói, nhức đầu…thì nên đưa trẻ đi thăm khám. Còn khi bệnh nhi có dấu hiệu rối loạn tri giác (co giật, hôn mê…) phải đưa đi cấp cứu.
Viêm não Nhật Bản thường phải điều trị ở bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố vì cần đến máy thở.
BS Khanh cho hay, viêm não Nhật Bản có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vắc xin và đã được nghiên cứu đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng.
Các bậc phụ huynh nên cho con chích ngừa bệnh. Sau 3 mũi đầu tiên, bệnh nhân có thể chích nhắc lại mỗi 3 năm. Đến trên 15 tuổi thì nguy cơ mắc bệnh này hầu như không còn - BS Khanh nói.
4 anh em ruột tử vong và cấp cứu nghi viêm não bất thường
Cả 5 cháu bé tại Cao Bằng đều có dấu hiệu đau đầu, buồn nôn, sốt cao, 1 cháu tử vong khi chưa kịp đến bệnh viện.
Bé gái 14 tháng tử vong sau tiêm vắc xin viêm não
Sau 1 ngày tiêm vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản, bé gái 14 tháng tuổi ở Phú Thọ bất ngờ co giật, sùi bọt mép rồi tử vong sau đó.
Tim bệnh nhân chết não đập trong ngực bé 10 tuổi
Quả tim của một bệnh nhân chết não đã đập rộn ràng trong lồng ngực bé trai 10 tuổi bị suy tim giai đoạn cuối.
Văn Đức