Để đối phó với việc các sản phẩm "Made in China" đang bị càn quét trên khắp sàn thương mại điện tử Amazon, chính quyền Thâm Quyến đang đưa ra một gói trợ cấp trị giá đến 2 triệu Nhân dân tệ (khoảng 308.000 USD) để hỗ trợ cho mỗi nhà bán hàng Trung Quốc trên nền tảng này.
Theo Phòng Thương mại Thâm Quyến, đề xuất này được đưa ra trong một cuộc họp với các nhà bán hàng trực tuyến có trụ sở tại Thâm Quyến bị ảnh hưởng bởi đợt càn quét vừa qua trên Amazon và đang "trông chờ sự trợ giúp từ chính phủ". Cuộc gặp này là một phần trong nỗ lực của cơ quan thương mại tỉnh Quảng Đông nhằm "nghiên cứu và đưa ra các giải pháp phù hợp" sau lệnh cấm của Amazon đối với các nhà bán hàng Trung Quốc và giúp "đưa các công ty thương mại điện tử xuyên biên giới vượt qua khó khăn".
Đầu tháng này, cơ quan này thông báo họ sẽ cấp một khoản trợ cấp lên đến 2 triệu Nhân dân tệ cho mỗi "cửa hàng độc lập" của các nhà bán hàng xuyên biên giới – các website được các nhà bán hàng tự xây dựng thay vì mở gian hàng trên một nền tảng lớn hơn.
Để nhận được khoản trợ cấp này, các nhà bán hàng phải hoạt động từ trước năm 2019 và có doanh thu hàng tháng trị giá 300.000 USD hoặc hơn. Bên cạnh đó, một hội đồng chuyên gia sẽ đánh giá mỗi đơn yêu cầu xem có đủ điều kiện được trợ cấp hay không.
Theo kế hoạch này, những nhà khai thác kho hàng nước ngoài được Bộ Thương mại Trung Quốc xác định là nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tốt nhất cũng sẽ được thưởng một khoản tiền khác trị giá 3 triệu Nhân dân tệ. Trong khi đó, các nhà vận hành kho khác cũng có thể xin được cấp khoản trợ cấp 2 triệu Nhân dân tệ.
Hiện tại, Thâm Quyến, nơi được xem như Thung lũng Silicon của Trung Quốc, cũng là một trung tâm Thương mại điện tử xuyên biên giới của nước này. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử xuyên biên giới Thâm Quyến, hiện thành phố này đã có hơn 40.000 hãng liên quan đến lĩnh vực này, chiếm đến 35% tổng số hãng liên quan đến ngành này trên toàn Trung Quốc.
Trong khi đó, đợt truy quét dữ dội vừa qua của Amazon đối với các đánh giá giả mạo đã là một đòn đánh nặng nề giáng vào tham vọng của Bắc Kinh muốn biến việc bán hàng trực tuyến xuyên biên giới trở thành một mô hình thương mại mới.
Theo những người trong ngành, khi các thương gia Trung Quốc tràn vào các sàn thương mại điện tử quốc tế như Amazon hay eBay để tiếp cận người dùng thế giới, một số cũng mang theo các thói quen xấu vốn đã trở nên phổ biến trên các sàn thương mại điện tử Trung Quốc, như đánh giá giả mạo và phóng đại doanh số.
Từ tháng 5 năm nay, người khổng lồ thương mại điện tử Mỹ đã cấm nhiều thương hiệu nổi tiếng của Trung Quốc trên nền tảng này, bao gồm Aukey và Mpow. Vào tháng Sáu, công ty Shenzhen Youkeshu Technology cho biết, Amazon đã đóng cửa 340 gian hàng và đóng băng 130 triệu Nhân dân tệ (khoảng 20 triệu USD) nguồn tiền của họ trên nền tảng này.
Theo một báo cáo từ Thâm Quyến, ít nhất khoảng 50.000 tài khoản của các thương gia Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi những đợt truy quét này với tổn thất ít nhất hơn 100 tỷ Nhân dân tệ. Cuộc truy quét này buộc nhiều thương gia trong cộng đồng "Made in China" từ bỏ nỗ lực bán hàng trên Amazon và chuyển hướng sang xây dựng các website độc lập và các nền tảng bán hàng online khác, ví dụ eBay và AliExpress.
(Theo SCMP/ Pháp Luật và Bạn Đọc)
Tỷ phú Jeff Bezos từng 3 lần nói Amazon sẽ phá sản
Đây là một điều cực kỳ bất thường đối với một vị CEO, bởi những dự đoán không mấy tích cực về triển vọng của công ty luôn được các nhà đầu tư dõi theo.