- Sáng nay 29/6, hàng nghìn cán bộ giảng viên các trường đại học đã đi hàng trăm km tới các cụm thi THPT quốc gia.
Sáng nay, đoàn cán bộ và giảng viên Trường ĐH Ngoại thương gồm hơn 300 người đã lên đường về Quảng Ninh.
Ảnh minh họa (Lê Anh Dũng) |
Các điểm thi do ĐH Ngoại thương chủ trì tập trung ở TP.Hạ Long và Uông Bí nên nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt của cán bộ, giám thị đều được bố trí xung quanh. Các giám thị sắp xếp ở gần nhau để tiện gọi nhau đi làm, hỗ trợ cho nhau trong tình huống cần thiết để đảm bảo mọi việc được diễn ra suôn sẻ.
Là người có kinh nghiệm chuẩn bị công tác thi cử, ông Lê Việt Anh, phó Phòng Đào tạo nhà trường, vui vẻ cho biết: “Chúng tôi lo cho chị em phụ nữ nhất đấy! Chị em khó thích nghi hơn cánh đàn ông. Nhất chuyện ăn uống, chị em thường quen ăn tại gia đình, chúng tôi thì ăn tạm bợ chút không sao. Thế nên chúng tôi phải chọn nơi ăn uống sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có đội ngũ y tế luôn sẵn sàng”.
Các giảng viên của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã về tới Nam Định để phối hợp với Sở GD-ĐT Nam Định tổ chức cụm thi xét tốt nghiệp.
Một số giám thị tại các điểm thi xét tốt nghiệp của Nam Định cho hay, hiện tại xung quanh các trường phổ thông “phao thi đắt lắm”. Tuy nhiên, “Có phao thì bắt”, các giám thị khẳng định.
Thí sinh chỉnh sửa sai sót trong hồ sơ ĐKDT năm 2015 (Ảnh Lê Huyền) |
Trước giờ G, các giám thị chia sẻ “Thực lòng chúng tôi không muốn bắt các em vì học sinh cũng như con cháu mình. Tuy nhiên, những lỗi học sinh hay mắc phải như mang điện thoại vào phòng thi hoặc cố ý sử dụng “phao cứu sinh” thì phải xác định giám thị sẽ không làm sai quy chế”.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân năm nay được Bộ GD-ĐT giao chủ trì cụm thi THPT quốc gia tại tỉnh Bắc Giang. Tổng số cán bộ, giảng viên nhà trường được huy động tham gia tổ chức kỳ thi này là 483 người.
Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết "Chiều nay, trường sẽ tổ chức một đoàn cán bộ, giảng viên đi Bắc Giang trước. Đoàn còn lại sẽ đi vào sáng sớm mai. Trường thuê trọn gói 3 khách sạn và một số nhà nghỉ ở khu vực xung quanh để cán bộ ăn ở".
Theo ông Triệu, khoản kinh phí theo quy định Nhà nước cấp cho việc tổ chức thi chỉ đáp ứng được 50% thực tế. “50% còn lại phải do nhà trường tự đứng ra trang trải. Đó mới chỉ là chi phí tính được như ăn, ở chứ chưa kể những chi phí không tính được như con người hay xe cộ của trường. Nếu như tính cả thì chi phí sẽ rất lớn".
Ông Triệu cũng ước tính, năm nay Trường ĐH Kinh tế Quốc dân phải bù chi phí cho việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia khoảng 1,5 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Đăng Hòa, hiệu trưởng Trường ĐH Dược Hà Nội cho biết trường đã cử 44 cán bộ, giảng viên lên Sơn La phối hợp với ĐH Tây Bắc để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
"Ngày hôm qua, các cán bộ của trường đã lên tới Sơn La" - ông Hòa thông tin. Cũng theo ông Hòa, việc bù chi phí trong việc tổ chức cho cán bộ, giảng viên về địa phương tham gia tổ chức kỳ thi là việc "trường nào cũng phải chi" và "tất cả việc này là chi phí hợp lý" nên "không có gì đáng phàn nàn hay kêu ca cả".
Ảnh Lê Huyền |
Nhiều trường đại học phía Nam cũng được giao chủ trì cụm thi ở các tỉnh xa nên giám thị phải di chuyển hàng trăm km tới điểm thi.
Được giao chủ trì cụm thi ở Bình Thuận, ông Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho biết do từ sáng ngày 27/6, hơn 450 cán bộ giảng viên của trường đã lên xe di chuyển ra Bình Thuận.
“Ngoài thuê xe khách chở cán bộ giảng viên, chúng tôi thuê mấy xe tải chở giấy thi, các vật dụng phục vụ cho kì thi ra địa điểm thi” - ông Dũng cho biết.
Cũng theo ông Dũng, các giảng viên tới Bình Thuận đã được bố trí ăn, ở tại khách sạn gần các điểm thi. Điểm thi xa nhất cách trung tâm khoảng 8km, giám thị ở điểm này sẽ phải di chuyển phải di chuyển sớm hơn.
“Chúng tôi đã nghiệm thu tất cả các điểm thi, các vật dụng như máy nổ, máy phát điện dự phòng chuẩn bị đầy đủ. Lực lượng tổ chức kì thi vận động 30.000 suất cơm miễn phí, 3.000 chỗ ở miễn phí. UBND tỉnh Bình Thuận ra chỉ thị các nhà trọ giảm 40% giá phục vụ thí sinh”.
Trong khi đó, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM được giao chủ trì cụm thi ở tỉnh Tây Ninh. Ông Phạm Thái Sơn, phó trưởng phòng đào tạo cho biết “Đợt này chúng tôi có 325 cán bộ giảng viên đi coi thi, kèm theo rất nhiều vật dụng. Vì vậy trường thuê 12 xe 45 chỗ chở giám thị từ thành phố đến tỉnh và 9 xe chở giám thị từ “đại bản doanh” tới các điểm thi”.
“Đại bản doanh” cụm thi đặt tại Sở GD-ĐT Tây Ninh, gần các điểm thi nên việc di chuyển không quá khó khăn. Riêng một điểm tương đối xa trung tâm nên giám thị coi thi điểm này sẽ di chuyển vào lúc 5 giờ sáng.
Trường ĐH Nông Lâm TPHCM được giao nhiệm vụ chủ trì cụm thi Gia Lai, cách trường tới 450 km. Ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo cho biết tất cả các giám thị đã di chuyển lên Tây Nguyên trong ngày 28/6.
Sáng nay, các thành viên chủ chốt trong hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã di chuyển tới Đồng Nai. Những giảng viên làm công tác coi thi sẽ tới điểm thi vào chiều nay.
Danh sách các trường ĐH tổ chức cụm thi ở địa phương 1. Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM chủ trì cụm thi 45 tại Gia Lai 2. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM chủ trì cụm thi 51 ở Bình Thuận 3. Trường ĐH Công Nghiệp TP.HCM chủ trì cụm thi 56 ở Đồng Nai 4. Trường ĐH Tôn Đức Thắng – Trường Cao đẳng Bà Rịa -Vũng Tàu chủ trì cụm thi 60 ở Bà Rịa- Vũng Tàu 5. Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM- Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long chủ trì cụm thi 65 ở Vĩnh Long 6. Trường Đại học Kiên Giang- Trường ĐH Tài Nguyên môi trường TP.HCM chủ trì cụm 69 tại Kiên Giang 7. Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM- Trường Cao đẳng sư phạm Sóc Trăng chủ trì cụm thi 67 ở Sóc Trăng 8. Trường ĐH Tài chính Marketting– Cao đẳng sư phạm Đắc Lắk chủ trì cụm thị 48 ở Đắc Lắk 9. Trường ĐH Sài Gòn chủ trì cụm thi 57 ở Long An 10.Trường ĐH Kinh tế TP.HCM chủ trì cụm thi 53 ở Bình Phước 11. Trường ĐH Kinh tế -Luật TP.HCM chủ trì cụm thi 54 ở Bình Dương 12. Trường ĐH Luật TP.HCM chủ trì cụm thi 64 ở Bến Tre 13. Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM chủ trì cụm thi 55 ở Tây Ninh 14. Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM chủ trì cụm 50 ở Ninh thuận |
Lê Văn – Nguyễn Hường – Lê Huyền