- Không đồng ý sáp nhập trường vì cho rằng con cái phải đi học xa, hàng trăm người dân ở xã Quảng Phúc (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) đã kéo lên UBND xã phản đối.
Theo phản ánh của người dân, UBND huyện Quảng Xương có chủ trương sáp nhập Trường THCS Quảng Phúc về Trường THCS Quảng Vọng khiến cho con em ở xã Quảng Phúc phải đi học xa hơn, với những em phải đi xa nhất là 4km. Vì vậy, phụ huynh không đồng ý việc sáp nhập này vì lo con em đi lại vất vả, mất an toàn giao thông.
Theo kế hoạch, vào ngày 28/8, học sinh Trường THCS Quảng Phúc tập trung đến Trường THCS Quảng Vọng. Một số phụ huynh xã Quảng Phúc cho biết sẽ không đưa con em đến trường.
Hàng trăm người dân kéo nhau lên UBND xã để phản đối sáp nhập trường |
Theo ghi nhận của phóng viên, tại UBND xã Quảng Phúc trong 3 ngày qua có hàng trăm người dân tập trung phản đối việc sáp nhập trường. Người dân còn mang cả loa cầm tay đi theo để sử dụng.
Ông Mai Đình Thủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc cho biết, ngày 17/7/2015 Hội đồng Nhân dân tỉnh có Nghị quyết 122/2015/NQ-HĐND về việc phê duyệt Đề án sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông có nhiều cấp học hiện có ở tỉnh đến năm 2020.
Do đó, UBND huyện Quảng Xương đã ban hành kế hoạch sắp xếp mạng lưới trường, lớp học trên địa bàn huyện đến năm 2018.
Hiện nay, Trường THCS Quảng Phúc chỉ có 6 lớp, với 145 học sinh. Do đó, huyện có kế hoạch sáp nhập trường này về với Trường THCS Quảng Vọng để thành lập trường mới mang tên Trường THCS Phúc Vọng.
“Người dân ở xã Quảng Phúc cho rằng việc sáp nhập này sẽ khiến học sinh đi lại vất vả. Mặc dù huyện và xã đã nhiều lần giải thích, tuyên truyền cho bà con, nhưng nhiều người dân vẫn chưa thống nhất. Chính vì vậy, mấy ngày nay hàng trăm người dân kéo nhau lên trụ sở xã để phản đối” - ông Thủy cho biết.
Ông Nguyễn Huy Nam, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Quảng Xương, cho biết ngoài việc người dân lo sợ con em mình phải đi học xa còn có ý kiến phản đối vì cho rằng khi sáp nhập, các em lại phải đóng góp tiền để xây dựng cơ sở vật chất.
Về vấn đề này, huyện đã giải thích rất nhiều lần rằng phụ huynh không phải đóng góp bất kỳ một khoản xã hội hóa nào trong năm học mới. Bên cạnh đó, huyện đã đầu tư vốn để làm đường giao thông nối từ thôn Văn Bình (xã Quảng Phúc) sang xã Quảng Vọng để giúp các em đi lại thuận tiện hơn.
Một số phụ huynh cho biết sẽ không đưa con đi học để phản đối sáp nhập trường |
Đặc biệt, huyện cũng trích kinh phí để mua tặng 20 chiếc xe đạp mới cho các em học sinh thuộc diện hộ nghèo và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để các em có phương tiện đến trường.
Ông Trần Văn Công, Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương nhận định "Dự báo trong những ngày tới, sự việc sẽ có chiều hướng diễn biến phức tạp, một bộ phận nhân dân, phụ huynh học sinh vẫn tìm mọi cách để gây áp lực, phản đối chủ trương sáp nhập trường".
"Trong những ngày tới, huyện sẽ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành và UBND xã Quảng Phúc nắm bắt tình hình, xác định nguyên nhân, đối tượng cầm đầu để có phương án đấu tranh, thu thập chứng cứ, tài liệu làm cơ sở xử lý theo quy định của pháp luật” - ông Công cho biết.
Lê Anh