Ngày 13/3, đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cùng đông đảo người dân, du khách, và học sinh ở Khánh Hòa có mặt tại khu tưởng niệm Gạc Ma, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), nghiêm trang, lặng lẽ dâng hoa, thắp hương tưởng nhớ 64 liệt sĩ.

Có mặt từ khá sớm, Nguyễn Thị Hường (58 tuổi, quê huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An), bùi ngùi bên di ảnh em trai là liệt sĩ Nguyễn Tất Nam. Bà kể, liệt sĩ Nam là con thứ hai trong gia đình có ba người con. Là chị cả trong nhà, mẹ lại mất sớm, bà Hường là người chăm lo cho các em. “Ngày nhập ngũ, sợ tôi buồn, em trai âm thầm lên đường, rồi nhờ bạn trao chiếc áo khoác, khăn quấn cổ lại cho chị giữ ấm”, người chị nói nhưng đôi mắt đỏ hoe, ngấn lệ.

Bà kể, suốt 34 năm qua luôn nhớ về người em trai trong ký ức, nhất khi nhìn thấy từng kỷ vật, di ảnh. Mỗi khi tới ngày này, bà lại khăn gói vào Khánh Hòa, chuẩn bị mâm cỗ, hương đèn, hoa tới khu tưởng niệm Gạc Ma để tưởng nhớ em cùng những chiến sĩ đã anh dũng quên mình hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. “Chuyến đi lần này tôi cũng trao cho khu trưng bày bức thư của em trai gửi về gia đình khi làm nhiệm vụ”, bà Hường nói.

Ở gần đó, bà Nguyễn Thị Anh, Phó Giám đốc Ban quản lý khu tưởng niệm Gạc Ma cho biết, hai ngày qua có hơn 350 người có mặt tại khu tưởng niệm thắp hương, dâng hoa. Còn từ đầu năm tới nay, khu tưởng niệm đón trên 2.390 người từ các đoàn khác nhau. Từ khi đưa vào hoạt động tới nay đã có hơn 1.000 đoàn với gần 300.000 lượt khách đến tham quan.

Trước đó, chiều 12/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn lãnh đạo Chính phủ tới dâng hương tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Ghi trong sổ lưu niệm tại khu tưởng niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính xúc động viết: Đây là những tấm gương đã anh dũng quên mình hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Những tấm gương chói sáng ấy luôn là minh chứng của chủ nghĩa anh hùng, tô thắm thêm truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Khu tưởng niệm Gạc Ma được đưa vào hoạt động hồi tháng 7/2017 với diện tích khoảng 2,5ha, mức đầu tư hơn 130 tỷ đồng. Điểm nhấn khu tưởng niệm có chủ đề "Những người nằm lại phía chân trời" với biểu tượng "Vòng tròn bất tử" cùng tinh thần bất khuất, dũng cảm của các chiến sĩ Hải quân đã ngã xuống vì biển đảo của Tổ quốc. Cụm tượng đài các chiến sĩ Gạc Ma làm từ những phiến đá granite nguyên khối nặng hơn 14 tấn. Mỗi cụm tượng đài chiến sĩ hải quân cao 12m, ngang 12m.

Một số hình ảnh hàng trăm người dân dâng hương tưởng nhớ 64 chiến sĩ Gạc Ma.

{keywords}
Nhiều người ở khắp cả nước đổ về khu tưởng niệm Gạc Ma, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa, ngày 13/3
{keywords}
Đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tỏ lòng thành kính trước công lao to lớn của các chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc.
{keywords}
Người thân liệt sĩ chuẩn bị mâm cỗ, hoa và hương đèn tưởng nhớ con em mình.
{keywords}
Bà Nguyễn Thị Hường, chị ruột liệt sĩ Nguyễn Tất Nam thắp hương tưởng nhớ 64 chiến sĩ Gạc Ma.
{keywords}
Thân nhân chiến sĩ Gạc Ma bùi ngùi khi nhìn lại di ảnh các chiến sĩ. Trong đó, bà Hường giới thiệu em trai của mình qua ảnh.
{keywords}
Bức thư của liệt sĩ Nguyễn Tất Nam gửi về gia đình trước khi hy sinh được bà Nguyễn Thị Hường trao tặng lại cho khu trưng bày.
{keywords}
Hàng trăm người dân hương tưởng nhớ 64 chiến sĩ Gạc Ma
{keywords}
Bên trong khu tưởng niệm cũng là nơi lưu giữ nhiều kỷ vật của các chiến sĩ được gia đình gửi đến cùng những kỷ vật của các con tàu đắm tại Gạc Ma như bánh lái, các mảnh súng trường; cuốc xẻng của các chiến sĩ khi tham gia bảo vệ tổ quốc...
{keywords}
Trong nhiều kỷ vật, áo của chiến sĩ Gạc Ma được lưu giữ tại bảo tàng.
{keywords}
Dép giày, chén bát, ba lô …, những kỷ vật của chiến sĩ đang được lưu giữ.
{keywords}
 
{keywords}
Nhiều người tới thắp hương, tham quan khu bảo tàng Gạc Ma, và chụp ảnh kỷ niệm.
{keywords}
Khu tưởng niệm còn có bảo tàng ngầm, lưu giữ những kỷ vật, lịch sử về đấu tranh giữ nước của những chiến sĩ đã tham gia trận hải chiến Gạc Ma. Đây cũng là nơi an ủi vong linh, thờ tự của gia đình những chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc.

 

Ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa lực lượng tàu chiến hùng hậu đến tấn công, xâm chiếm đảo Gạc Ma, sát hại 64 chiến sĩ công binh đang làm nhiệm vụ trên đảo. Gạc Ma đã đi vào trang sử bi tráng của dân tộc với hình ảnh những người lính siết chặt tay cầm cờ Tổ quốc mặc cho pháo đạn kẻ thù dội vào. “Vòng tròn bất tử” Gạc Ma đã trở thành biểu tượng bất khuất của lòng yêu nước.

 

Xuân Ngọc

Gạc Ma 1988: ‘Chúng ta không bao giờ quên 64 liệt sĩ'

Gạc Ma 1988: ‘Chúng ta không bao giờ quên 64 liệt sĩ'

“Chúng ta không thể quên và không bao giờ quên chiến công của 64 liệt sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma”, Đại tá Hoàng Duy Lập, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 83 chia sẻ.