Hàng Việt bị suy giảm thị phần

Sau 10 năm triển khai chương trình Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đến nay hàng Việt Nam giữ được chỗ đứng nhất định tại các kênh phân phối bán lẻ truyền thống và hiện đại.

Cụ thể, theo báo cáo từ Sở Công Thương các địa phương, tỷ lệ hàng Việt tại các siêu thị ở Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao. Trong đó, tại siêu thị của doanh nghiệp nội, hàng Việt chiếm khoảng chiếm khoảng 90-95%; ở các siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài thì hàng Việt chiếm từ 65-95%. Riêng tại các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi thì tỷ lệ hàng Việt chiếm khoảng 60%.

Tại hội thảo khoa học “Liên kết - hành động vì hàng Việt” diễn ra ngày 15/11, ông Trần Tuấn Anh - Phó trưởng ban Phong trào cơ quan Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhận xét thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là phát triển mạnh trong những năm gần đây. Như 2018, tổng mức bán lẻ hàng hoá dịch vụ và hoanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017.

{keywords}
Chuyên gia cho rằng giờ phải kêu gọi dùng hàng Việt vì chất lượng tốt

Thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn, cơ cấu dân số trẻ, dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm, trong khi tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Song, nền kinh tế nước ta có tới 96% là DN nhỏ và vừa, trong số đó có 60% là DN siêu nhỏ. Trong lĩnh vực bán lẻ tỷ lệ này còn cao hơn. Theo ông Tuấn Anh, điều này có nghĩa là tuyệt đại bộ phận các DN hoạt động trong bán lẻ là doanh nghiệp nhỏ.

Họ gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh như khả năng tiếp cận vốn, mức thuế và phí cao, thủ tục hành chính và các chi phí khác như tiếp cận đất đai khi mở chuỗi siêu thị, xin cấp phép xây dựng, xin cấp phép dựng biển quảng cáo, thuê mặt bằng kinh doanh cao.

Chưa kể, các DN bán lẻ Việt Nam còn phải cạnh tranh trực tiếp với các nhà bán lẻ hàng đầu thế giới và khu vực đang thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam.

Trên thực tế, các nhà bán lẻ trong nước thiếu thốn từ vốn đến con người, trang thiết bị và thông tin để cạnh tranh một cách sòng phẳng với các nhà đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn đa quốc gia và xuyên quốc gia, ông cho hay.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thừa nhận, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với tốc độ thâm nhập và mở rộng thị trường của các hãng phân phối nước ngoài tại Việt Nam ngày càng gia tăng, gây sức ép rất lớn cho các nhà bán lẻ nội địa. Nhiều hàng hóa sản xuất trong nước bị suy giảm thị phần, thiếu vắng thương hiệu Việt Nam. 

Thực tế, hồi giữa năm nay, một hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam còn tuyên bố tạm ngưng nhập hàng Việt để xem xét lại.

Làm hàng Việt nội địa tốt như cho xuất khẩu

Để không bị thua ngay trên sân nhà, theo ông Thân, một câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thời gian tới đạt được kỳ vọng như mong muốn.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khẳng định chuyện người Việt Nam dùng hàng Việt Nam là bình thường. Đó là xu hướng chung của các nước trên thế giới. Không có nước nào coi nhẹ thị trường trong nước.

Song, đã đến lúc chúng ta phải chuyển kêu gọi dùng hàng Việt từ lòng yêu nước sang dùng vì chất lượng tốt. Hàng Việt chinh phục người tiêu dùng Việt bằng chất lượng.

Muốn làm được điều này, ông Phong cho rằng cần thay đổi tư duy chống phân biệt nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài. Nhà sản xuất phải chống phân biệt thị trường trong nước và thị trường nước ngoài. Chống phân biệt người tiêu dùng Việt và người tiêu dùng nước ngoài. “Các DN ở nước ta hiện nay dường như vẫn còn tư duy coi trọng khách hàng ngoại hơn khách hàng nội”, ông nói.

{keywords}
Không nên phân biệt hàng Việt Nam xuất khẩu làm chất lượng tốt hơn hàng Việt tiêu thụ trong nước

Theo ông, cần bỏ tư duy chỉ hàng tốt mới xuất khẩu, hàng trong nước là không xuất khẩu được. Hãy đổi sang tư duy là hàng ở trong nước phục vụ người Việt là những hàng tốt nhất, đáp ứng tốt nhất nhu cầu người tiêu dùng với những tiêu chuẩn cao nhất mà chúng ta có thể làm. Nếu được hơn nữa hãy làm như người Nhật là sản xuất hàng cho tiêu dùng như là con sản xuất hàng cho cha mẹ dùng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phải xây dựng chiến lược, văn hoá doanh nghiệp mới. Ở đó cần hướng vào thị trường trong nước, cần nghiên cứu thị trường nghiêm túc, bài bản và chuyên nghiệp, làm hàng có mẫu mã đẹp...

Đồng thời cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng cho hàng Việt, nâng cấp từ tiêu chuẩn DN lên tiêu chuẩn quốc gia. Đặc biệt, các tiêu chuẩn này phải hướng tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế.

Các Bộ, cơ quan chức năng đốc thúc nâng cấp, hướng tới chuẩn chất lượng cao. Đồng thời xây dựng hàng rào kỹ thuật, ngăn chặn hàng hoá chất lượng thấp vào bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh tại Việt Nam, ông Phong nhấn mạnh.

Còn theo ông Đỗ Văn Sinh - Uỷ viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cần tăng ưu đãi cho doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt phát triển, muốn hàng hoá tốt thì giá thành phẩm cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất. Như vậy, Nhà nước phải có vai trò và chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng sản phẩm, hàng hoá và việc tuân thủ của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hòa Bình nhận định, trên thế giới ai làm chủ hệ thống thương mại thì người ấy sẽ điều tiết được sản xuất. Nếu hệ thống thương mại không nằm trong tay người Việt mà nằm trong tay nước ngoài thì việc điều tiết sản xuất trong nước rất khó. Bởi, hàng Việt dù có tốt đến đâu làm ra không có chỗ bán, không có chỗ tiêu thụ thì DN cũng sẽ khó tồn tại.

Với vai trò là nhà bán lẻ, ông mong muốn được hưởng chính sách ưu đãi về thuê mặt bằng như các nhà đầu tư nước ngoài đang được hưởng. “Nếu được như vậy, chúng tôi cam kết sẽ cung cấp hàng giá rẻ hơn cho người tiêu dùng, ủng hộ hàng hóa do DNNVV Việt Nam sản xuất để ủng hộ hàng hóa Việt, người tiêu dùng Việt Nam”, ông Đường chia sẻ.

Bảo Phương