Tuyến bài "Bên ngoài hành lang bệnh viện" là những câu chuyện nhân văn, cảm động về các nhân viên y tế. Với chuyên môn vững vàng, hành động kịp thời, họ đã giúp cứu sống nhiều bệnh nhân ngoại viện. Không chỉ điều trị cho người bệnh bằng kiến thức chuyên môn, những "liều thuốc" tinh thần là sự quan tâm, chăm sóc giản dị hay món quà bất ngờ từ các nhân viên y tế đã trở thành động lực mạnh mẽ cho người bệnh.
Nữ điều dưỡng Dương Thị Hồng, 32 tuổi, đang công tác tại khoa Nội tiết - Cơ xương khớp, Bệnh viện Lão khoa Trung ương.
Ngay khi phát hiện bé trai bị đuối nước ở khu nghỉ dưỡng nhưng được sơ cứu sai cách, bằng phản xạ của nhân viên y tế, chị Hồng chạy tới, giới thiệu mình là điều dưỡng và quyết liệt yêu cầu đặt cháu bé xuống mặt phẳng cứng để tiến hành cấp cứu.
Sau khi kiểm tra thấy bé trai không còn dấu hiệu sinh tồn, chị nhanh chóng thực hiện ép tim, thổi ngạt trong khoảng 3-4 phút, cháu bé nôn ra nhiều nước, có ý thức trở lại và được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện gần nhất. Hiện, sức khỏe của cháu ổn định, mọi sinh hoạt, học tập trở lại bình thường.
"Nếu không có chị Hồng ở đó, không biết giờ con trai tôi sẽ ra sao! Gia đình tôi thật quá may mắn", chị Hảo, mẹ bé trai được cứu sống, bày tỏ. Nữ điều dưỡng chia sẻ thời điểm đó, điều duy nhất thôi thúc chị hành động quyết liệt là làm sao để cấp cứu kịp thời, đúng cách, giữ tính mạng cháu bé đang nguy kịch.
Ngày 23/5, để ghi nhận, biểu dương hành động đầy ý nghĩa của nữ điều dưỡng viên Dương Thị Hồng, lãnh đạo Bệnh viện Lão khoa Trung ương đã tặng giấy khen và phần thưởng cho chị. Chi hội Điều dưỡng của bệnh viện cũng dành tặng một phần quà chúc mừng chị Hồng đã vận dụng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp vào tình huống khẩn cấp cứu người tại cộng đồng.
Theo các bác sĩ, với trường hợp đuối nước, sơ cứu ban đầu ngay tại hiện trường rất quan trọng. Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa chỉ khoảng từ 4-5 phút, nếu quá thời gian này sẽ dẫn tới tổn thương não không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh.
Vì thế, để cứu sống trẻ trong khoảng thời gian "vàng”, người cứu đuối đặc biệt chú ý, khi thấy một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, không mạch (không bắt được mạch cảnh, mạch bẹn), cần đặt trẻ trên một mặt phẳng cứng và tiến hành hồi sinh tim phổi ngay.
Tuyệt đối không dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy, làm các dịch dạ dày trào ngược, hít vào đường thở, mất thời gian "vàng" cấp cứu trẻ; không được ngừng hồi sức tim phổi nếu trẻ chưa có nhịp thở.