Người đàn ông 43 tuổi bị ngừng tim và gục xuống trên chuyến bay từ Anh đến Goa (Ấn Độ).
Khi đó, một phụ nữ lớn tuổi chứng kiến sự cố nên gọi con trai là bác sĩ Vishwaraj Vemala tỉnh dậy. Bác sĩ Vemala yêu cầu phi hành đoàn đưa bộ dụng cụ y tế và máy khử rung tim có sẵn trên máy bay. Ông đã sốc điện để tim của bệnh nhân đập trở lại.
Vị bác sĩ người Ấn Độ mượn thêm thiết bị từ hành khách, bao gồm máy đo huyết áp và glucose. Ông cũng gắn đồng hồ thông minh của mình vào máy tính xách tay, sử dụng như máy điện tâm đồ tạm thời để kiểm tra tim của nam bệnh nhân.
Bác sĩ Vemala gắng sức giữ cho người bệnh 43 tuổi trên sống sót trong 5 giờ. Trong thời gian đó, ông đã sử dụng máy khử rung tim lần nữa nhằm kích hoạt tim của người đàn ông. Sau đó, máy bay hạ cánh khẩn cấp ở Mumbai để người bệnh được đưa đi cấp cứu.
"Khi được đưa vào bệnh viện, người đàn ông đã rơi nước mắt. Điều đó khiến chúng tôi vô cùng xúc động", Tiến sĩ Vemala, chuyên gia về gan tại Bệnh viện Queen Elizabeth ở Birmingham (Anh), cho biết ngày 12/11.
Ông tiếp tục: "Tôi là bác sĩ chuyên khoa gan, từng làm việc trong Khoa Chăm sóc đặc biệt 5 năm và thường xuyên xử lý các ca ngừng tim. Nhưng ở bệnh viện, tôi làm việc theo nhóm, các y tá được đào tạo, trang thiết bị đầy đủ. Ở đây, tôi chỉ có một mình”.
Tiến sĩ Vemala chia sẻ với Daily Mail: "Bệnh nhân nói với tôi rằng anh ấy có 1 cô con gái 3 tuổi ở Anh và đang trở về Goa để thăm gia đình. Điều đó khiến tôi càng vui hơn khi có thể giúp đỡ anh ấy".
Theo quy định, các hãng hàng không của Anh phải có bộ dụng cụ y tế bao gồm ống nghe, kim tiêm, ống thông tiểu và thiết bị hỗ trợ thở trên các chuyến bay. Một số hãng có máy khử rung tim. Các chuyên gia khuyến nghị trên phi cơ nên có thêm nhiều loại thuốc bao gồm adrenaline, thuốc giảm đau, thuốc chống co giật và các vấn đề về tim, thuốc kháng histamine chống dị ứng (ngứa ngáy, mề đay).