Phát điên khi mất con ở tuần thai thứ 23

“Trên hành trình tìm con, hạnh phúc không bao giờ là miễn phí và dễ dàng. Phải đủ can đảm trải qua vô vàn gian khổ mới có thể chạm vào nó. Thế nhưng, các mẹ đừng nản lòng, điều tuyệt vời luôn chờ đợi chúng ta ở đoạn cuối. Khi đủ nghị lực, hạnh phúc sẽ nảy mầm”, dòng tâm sự của bà mẹ sinh ba Trần Thái Linh (sinh năm 1991, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) sau hành trình tìm con đầy gian nan khiến nhiều người cảm động. 

Vợ chồng chị Linh kết hôn năm 2020. Chị mong con nên “thả bầu” ngay sau đám cưới. Một năm sau đó, tin vui vẫn không đến. Hai vợ chồng khám chữa khắp nơi, uống nhiều loại thuốc vẫn không có kết quả. 

mang thai 1.jpg
Bà mẹ nhận cái kết ngọt ngào sau hành trình tìm con đầy gian nan

Năm 2021, chị Linh đến khám tại một bệnh viện lớn, bị bác sĩ chẩn đoán buồng trứng đa nang, vòi trứng thông hạn chế. 

“Bác sĩ nói, trường hợp của mình vẫn có thể mang thai tự nhiên nhưng không thể biết chắc là khi nào, muốn nhanh hơn thì có thể làm IVF (thụ tinh trong ống nghiệm). Mong ngóng con từng ngày, mình quyết định làm IVF luôn”, người phụ nữ sinh năm 1991 kể.

Ngay trong lần đầu chuyển phôi, chị Linh đã đậu một thai. Nhưng sau đó, chị bị nghén và ra máu suốt thai kỳ. Đến tuần thai thứ 23, chị xuất hiện cơn gò, vừa đến viện là vỡ ối, em bé sinh non nên không giữ được.

“Lúc ấy, mình rơi vào trạng thái thất vọng, trầm cảm, có khoảng thời gian phát điên”, Linh tâm sự.

Lần làm IVF đầu tiên, chị Linh chi hơn 100 triệu đồng. Mất tiền, mất sức vẫn không tìm được con, chị chán nản nhưng không tuyệt vọng. Nghỉ ngơi dưỡng sức một thời gian, chị tiếp tục làm IVF lần hai vào năm 2022.

Linh thừa nhận, lần này chị chuẩn bị tốt cả về sức khỏe lẫn kinh tế nhưng không kỳ vọng quá nhiều. Lần mất con trước đó khiến chị ám ảnh, sợ hãi một lần nữa phải trải qua cảm giác đó. Chị làm IVF với tâm thế: “Còn phôi thì chuyển nốt”.

Linh tiến hành chuyển 2 phôi lần hai rồi nằm tĩnh dưỡng tại nhà. Khi kiểm tra kết quả beta, chị đã đậu thai.

Ngày thứ 14 sau khi chuyển phôi, Linh đi siêu âm thì thấy có một túi thai. Chị lo lắng túi thai có kích thước nhỏ hơn so với chỉ số beta, sợ thai chậm phát triển. 

Một tuần sau, chị Linh đi siêu âm tiếp, bác sĩ thông báo có 2 túi thai. Chị hạnh phúc vỡ òa khi mình “đậu” 2 con.  Dẫu bác sĩ cảnh báo nguy hiểm bởi từng sinh non, chị vẫn quyết tâm giữ lại.

mang thai 2.jpg
Thái Linh từng đau khổ khi mất con ở tuần thứ 23

“Lần siêu âm kế tiếp, bác sĩ lại thông báo trong 2 phôi có 1 phôi sinh đôi. Mình đậu 3 bạn và cả 3 đều đã có tim thai. Mình không vui sướng nữa mà chuyển sang lo lắng bởi lẽ, sinh 3 cực kỳ nguy hiểm, mình lại có tiền sử sinh non, vốn chỉ giữ một con thôi đã khó”, Linh kể.

Bác sĩ đưa ra phương án bỏ bớt thai, hoặc giảm phôi 1 thai hoặc giảm phôi 2 thai. Linh hỏi: “Nếu em muốn giữ cả thì sao?”. Bác sĩ trả lời: “Một là em được hết, hai là em mất cả 3 con”.

Bác sĩ cho Linh 1 tuần suy nghĩ. Một tuần đó, chị khó chợp mắt. Với hoàn cảnh của người mẹ mong con nhiều năm, lại từng mất con ở tuần thai thứ 23, chị không biết lựa chọn sao cho đúng. 

Vào ngày quyết định, nghe thấy tiếng tim thai của cả 3 con, Linh quyết tâm giữ lại tất cả. Bác sĩ yêu cầu chị viết cam kết chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình, kèm theo lời khuyên nhủ: “Sẽ khó khăn lắm đấy nhưng quyết định rồi thì phải giữ tinh thần thép để đối mặt với nhiều nguy cơ”.

Hạnh phúc vỡ òa khi đón 3 con khỏe mạnh chào đời

Tháng ngày sau đó là hành trình giữ tam thai đầy gian nan của bà mẹ trẻ. Chị bị nghén nặng đến tam cá nguyệt thứ hai, gần như nằm suốt cả thai kỳ, mọi sinh hoạt từ tắm gội đến ăn uống đều nhờ mẹ đẻ hỗ trợ. 

mang thai 4.jpg
Chị Linh sinh mổ chủ động ở tuần thai 34

Đến tuần thai thứ 14, chị Linh được chỉ định khâu cổ tử cung để giữ thai. Sang tuần thứ 15, chị bị ra máu ồ ạt, phải đến Bệnh viện Phụ sản Hải Dương cấp cứu. 

“Bác sĩ sau khi thăm khám liên tục nói ca này khó quá, máu ra nhiều, thai còn nhỏ, tiên lượng khó giữ. Mình phải chuyển gấp lên Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Quãng đường chuyển viện có lẽ là quãng đường dài nhất mình từng đi, dọc đường chỉ biết cầu mong con ở lại. Lên đến viện, mình vẫn bị ra máu không ngừng, bác sĩ không tìm ra nguyên nhân chảy máu bởi khi siêu âm, các bé vẫn bình thường”, chị Linh kể lại.

Đến giờ, chị vẫn nhớ như in từng cái lắc đầu, từng lời cảnh báo của bác sĩ. Bản thân chị chỉ nghĩ: “Không sao, mình chết cũng được, chỉ cần giữ được con”. 

Bác sĩ chẩn đoán, chị bị rỉ ối ở tuần thai 15 và đưa ra hai phương án: Hoặc đình chỉ thai, hoặc ký giấy giữ tiếp, giữ được ngày nào hay ngày đó. Bác sĩ liên tục cảnh báo, trường hợp của chị dễ bị nhiễm trùng thai hoặc lên cơn gò không kiểm soát, có thể vỡ cổ tử cung, nguy hiểm tính mạng. Dù được khuyên đình chỉ thai để đảm bảo an toàn cho mẹ, chị Linh vẫn quyết tâm xin ký giấy giữ thai.

“Mình ở lại viện theo dõi, tiêm thuốc nội tiết và kháng sinh tránh nhiễm trùng ối. Mình không nhớ nổi cả thai kỳ đã tiêm bao nhiêu mũi, đến nỗi y tá không lấy được ven để tiêm. Máu thì vẫn không ngừng ra, mình ám ảnh đến độ không dám đi vệ sinh”, chị Linh kể.

Chị không có một giấc ngủ yên vì sợ chuyện không hay sẽ xảy ra trong lúc ngủ. Cố gắng đến tuần thai 17, chị được bác sĩ cho xuất viện vì trạng đã ổn hơn. Về nhà được 3 ngày chị lại bị ra máu, rồi được chẩn đoán cổ tử cung tụt, dễ gây sinh non. Chị cố gắng từng ngày, mong có thể giữ con đến mốc 28 tuần.

Rồi mẹ con chị cũng chạm đến mốc 33 tuần. Linh lại đối mặt với nguy cơ sẽ mất cả 3 bé vì một trong 3 bé bị suy thai. 

“Mình xin bác sĩ cho mổ chủ động bởi cứ để con trong bụng không biết thế nào. Cố gắng đến tuần 33 rồi mà mất con thì mình không sống nổi. Đến tuần 34, bác sĩ hẹn mình đến làm hồ sơ sinh, chờ có cơn gò thì đẻ. Nào ngờ lúc ấy mình đã mở 2 phân, vậy là đẻ luôn”, Linh chia sẻ.

Trước khi vào phòng mổ, Linh nghe mẹ dặn dò: “Chỉ cần nghe đủ 3 tiếng khóc là các con khỏe mạnh”. Dù buồn ngủ do gây tê, chị vẫn cố gắng giữ tỉnh táo ngóng tiếng khóc của con. 

mang thai 5.jpg
Linh mãn nguyện khi được làm mẹ

Tiếng khóc đầu tiên cất lên, Linh vẫn ngỡ đó là con của sản phụ bên cạnh. Cho đến lúc bác sĩ thông báo: “Bé thứ nhất cân nặng 1,8kg...”, chị mới bừng tỉnh là bản thân đang lâm bồn. Nghe đủ 3 tiếng khóc, biết rõ cân nặng của từng người con, chị lịm đi.

3 em bé của chị Linh lần lượt là SuBon, SuBeo, SuRi với cân nặng 1,8kg, 1,9kg, 2,1kg. Con nằm phòng sơ sinh, mẹ nằm phòng hồi sức, 1 tuần sau đó, mẹ con chị được gặp mặt và trở về nhà. Hành trình giữ con của Linh sau bao gian khổ, cuối cùng cũng thành công cán đích.

Chi phí cho lần IVF đầu tiên của chị Linh là hơn 100 triệu đồng, chưa kể tiền thuốc men, viện phí. Chi phí của lần IVF thứ hai và hành trình giữ 3 con, chị không thể đong đếm, cũng không bận tâm. Điều duy nhất chị mong muốn là 3 con khỏe mạnh chào đời.

Cùng lúc chăm sóc 3 đứa trẻ sơ sinh, cuộc sống của Linh xoay như chong chóng. Thế nhưng, chị không nói quá nhiều đến nỗi vất vả, những lúc bù đầu vì cho con ăn, dỗ con ngủ, nựng con khóc... 

Chị chỉ nhớ đến khoảnh khắc hạnh phúc, bình yên khi ngắm con ngủ, ngắm con cười. Với Linh, chỉ cần được làm mẹ đã là hạnh phúc và mãn nguyện. Chị thấy bản thân may mắn khi các con đã chọn mình. 

Hiện tại, 3 em bé của Linh đã tròn 1 tuổi. Dù sinh non nhưng mốc phát triển của các con đều bình thường như các bé đủ ngày đủ tháng. Thậm chí, 3 em bé còn biết đi sớm hơn bạn bè cùng lứa tuổi.

Các con là động lực để chị Linh cố gắng mỗi ngày. Những lúc yếu lòng trước sóng gió cuộc đời, chỉ cần nhìn con chị lại mạnh mẽ hơn. 

“Mọi người vẫn nói “nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”. Làm mẹ giúp mình trưởng thành hơn. Giờ đây, mình chỉ mong bản thân có nhiều sức khỏe, có kinh tế để cùng các con vẽ lên một tuổi thơ thật đẹp, một cuộc đời bình an”, chị Linh tâm sự.

Thanh Minh