Chương trình thiện nguyện có tên “Mắt sáng cho em”.
Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Cổ Linh (Bản Sáng, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm, Bắc Kạn) có 295 học sinh lớp 6 đến lớn 9, 100% là người dân tộc H’Mông, Dao, Tày, Nùng có hoàn cảnh khó khăn và sống xa điểm trường.
Đại diện nhà trường cho biết: “Bình thường, từ chiều chủ nhật hay sáng thứ 2, các cháu khăn gói đến điểm trường. Tại đây, các cháu được nuôi ăn học cả tuần, đến chiều thứ 6 các cháu lại khăn gói về nhà. Cháu nào có bố mẹ đến đón thì vui, còn không cứ thế mà đi bộ về nhà, dù trường cách nhà cả chục cây số”.
Từ ngày điểm trường bán trú được xây dựng, các em học sinh đã bớt phần nào khó khăn. Song trên thực tế, điểm trường bán trú này vẫn còn thiếu rất nhiều trang thiết bị thiết yếu, cần thiết cho việc học, sinh hoạt của trẻ. Nhất là vào mùa đông, học sinh vẫn phải chịu những cái lạnh buốt của mùa đông vùng cao, thiếu chăn, thiếu đệm và thiếu áo ấm.
Thấu hiểu những khó khăn đó, đoàn thiện nguyện “Mắt sáng cho em” với sự tham gia của đoàn bác sĩ, nhân viên y tế Mắt Sài Gòn Đường Láng đã vượt hàng trăm ki-lô-mét đường đèo để mang nhiều quà tặng thiết thực đến các em nhỏ như: áo khoác ấm, chăn ấm, đèn bàn giúp đảm bảo ánh sáng khi học tập, đọc sách… Bệnh viện còn gửi tặng vitamin A bổ sung dưỡng chất cho mắt; các poster giáo dục kiến thức được thiết kế vui nhộn, bắt mắt để trẻ dễ dàng tiếp cận và phòng ngừa tật khúc xạ, tạo thói quen chăm sóc tốt cho đôi mắt. Đồng thời, các bác sĩ bệnh viện cũng đo thị lực, khám mắt, hướng dẫn chăm sóc đôi mắt cho toàn bộ học sinh và thầy cô trong trường.
“Trải qua chặng hành trình dài từ Hà Nội lên Bắc Kạn, các thành viên trong đoàn thiện nguyện vẫn tràn đầy năng lượng để thực hiện các hoạt động đầy ý nghĩa: Tặng áo ấm cho 295 học sinh, đèn học, vitamin A, vitamin D, chăn ấm, một số nhu yếu phẩm cần thiết; thực hiện tầm soát tật khúc xạ cho toàn bộ học sinh và giáo viên trong trường; dán các poster giáo dục kiến thức chăm sóc đôi mắt cho học sinh và các thầy cô”, đại diện Mắt Sài Gòn Đường Láng chia sẻ.
Cô Hà Thị Tươi - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Cổ Linh chia sẻ: “Nhà trường rất cảm kích tình cảm của Bệnh viện Mắt Sài Gòn Đường Láng đã vượt chặng đường xa xôi đến đây để thăm khám và san sẻ với các em học sinh của trường. Đây là nguồn động viên rất lớn để các em biết cách giữ gìn thị lực sáng khỏe và vươn lên trong hành trình phía trước”.
(Nguồn: Mắt Sài Gòn Đường Láng)