Thanglongbooks vừa phát hành cuốn sách mới “Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm” của tác giả Nguyễn Quốc Vương đồng thời cũng tổ chức buổi toạ đàm cùng tên. Cuốn sách là những trải nghiệm, suy tư, trăn trở của tác giả về thực trạng giáo dục và văn hóa đọc ở Việt Nam.

Buổi toạ đàm nhằm tạo cơ hội và không gian để các diễn giả - những người yêu sách và đã, đang góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trong cộng đồng, cùng ngồi lại và bàn luận về ảnh hưởng to lớn của thói quen đọc sách đối với sự phát triển của mỗi cá nhân và toàn xã hội. Đồng thời đưa ra những lý giải và các giải pháp cho phong trào khuyến đọc tại Việt Nam hiện nay. 

{keywords}
Cuốn sách "Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm" của tác giả Nguyễn Quốc Vương là những trải nghiệm, suy tư, trăn trở của tác giả về thực trạng giáo dục và văn hóa đọc ở Việt Nam.

 

Ulrich Beck, nhà xã hội học nổi tiếng người Đức từng nói đến “xã hội nguy cơ” – tình trạng nảy sinh khi sự phát triển nhanh chóng tới mức thiếu kiểm soát đặt một số xã hội trước nguy cơ hiện hữu của thảm họa. Luận đề trên được đưa ra vào cuối thập niên 1980 và cho đến nay vẫn ám ảnh chúng ta. Con người luôn mong mỏi truy cầu cuộc sống hạnh phúc, song lại luôn cảm thấy bất an với mọi thứ diễn ra xung quanh.

Vượt qua nghịch cảnh để tiếp tục sống, cống hiến và làm nên những điều thực sự ý nghĩa là những điều mà tác giả Nguyễn Quốc Vương nhắn nhủ. Con người khao khát tự do nhưng họ sẽ luôn bị câu thúc bởi nhiều thứ: gia đình, họ hàng, những người xung quanh, tiền bạc, thời gian và cả xã hội. Và con người sẽ phải đấu tranh, cố gắng từng ngày để thoát ra khỏi sự câu thúc ấy cho dù là những người sinh ra trong hoàn cảnh may mắn nhất.

“Hãy nở ở nơi bị đặt vào” – phương châm sống, cách sống được truyền cảm hứng từ một tựa sách của Nhật Bản chính tác giả Nguyễn Quốc Vương đã đọc say mê trong thời điểm bản thân khó khăn, tuyệt vọng nhất. Phương châm sống đó lan tỏa cái nhìn tích cực về ý nghĩa của nỗ lực, ý chí con người. Bởi lịch sử tôn vinh cả người anh hùng lẫn những kẻ thất bại, không phải do phẩm cách hay kết quả họ gặt hái mà thông qua cố gắng của họ để đạt được mục tiêu.

Tác giả Nguyễn Quốc Vương tin rằng, chúng ta không nên xem việc đọc sách để tích lũy tri thức, kinh nghiệm xã hội, tìm ra lối đi riêng, hướng đến thay đổi thế giới là hành động vô nghĩa và tốn thì giờ. Vì một hạt cát không thể biến sa mạc thành cánh đồng phì nhiêu nhưng nếu mỗi hạt cát là một hạt phù sa chắc chắn ta sẽ sớm thấy sự phì nhiêu từ đồng ruộng. Tất cả phụ thuộc vào cách bạn nhìn, trình độ nhận thức của bạn và tư thế của bạn trước mỗi vấn đề. Cúi đầu chấp nhận nó, chạy trốn khỏi nó hay dũng cảm đương đầu với vấn đề để giải quyết nó. Và nếu không phải đọc sách liệu còn có điều gì thuyết phục hơn để trang bị cho bạn trí tuệ, cảm xúc, thái độ cùng ý chí quyết tâm cải tạo cuộc sống xung quanh khiến nó tốt đẹp hơn.

Sống trọn vẹn nhân sinh với đầy đủ chiều sâu, độ dài và trải nghiệm tối đa những phút giây hạnh phúc nó đem lại đang trở thành nhu cầu tha thiết của mỗi cá nhân. Nhu cầu đó được đặt ra giữa khung cảnh thế giới đang biến đổi với gia tốc chóng mặt của vật chất, công nghệ, tri thức bên cạnh vô số rủi ro khó đoán định. Để vượt qua nghịch cảnh, sống một cuộc đời viên mãn, có ý nghĩa, một cuộc đời “có thể kể lại được như câu chuyện”, đòi hỏi mỗi chúng ta tích lũy kinh nghiệm và trải nghiệm, tự khai sáng, tự giác ngộ. Hiện thức hóa được điều đó không hề dễ dàng, chúng ta cần xác định con đường đi đúng đắn cho mình. “Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm” gợi ý một trong những con đường đó là đọc sách.

Đặc trưng cơ bản nhất để tạo nên con người và phân tách người với các loài khác nằm trong cảm xúc, tư duy và tính xã hội. Cảm xúc phong phú, tinh tế, tình cảm sâu xa là một tiêu chuẩn nói lên tính người. Không phải ngẫu nhiên mà một trong những mục tiêu cơ bản của nhiều nền giáo dục là hình thành nên “tâm hồn phong phú” ở trẻ em. Để có tâm hồn phong phú, con người cần phải được giáo dục. Đọc sách là một phương thức nằm trong đó.

Sự giàu có của đời sống tinh thần đưa con người tránh xa khỏi những cám dỗ tầm thường, kìm chế bản thân cũng như có thêm sức mạnh để sống là chính mình. Cha mẹ đọc sách cho con, trò chuyện với đứa trẻ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ và sau này đứa trẻ lớn lên trong một môi trường tương tác thường xuyên với tri thức, cảm xúc, sự tưởng tượng chưa chắc tạo ra một công dân sở hữu vật chất, quyền lực đủ đầy nhưng chắc chắn định hình một cá nhân hạnh phúc, tự do.

Tác giả nguyễn Quốc Vương mong muốn rằng, mỗi người sẽ thấy trong trang sách ta đọc những khổ đau, trăn trở cũng như tấm lòng cao cả của nhiều người khác. Vượt qua thói tục tầm thường, họ đã sống thực sự như một con người và sẽ truyền cho ta cảm hứng để sống một cuộc sống thật sự là người.

Không phải lời rao giảng hay thuyết minh nhàm chán về vai trò của sách đối với con người, không phải những ví dụ to tát lấy từ tiểu sử các vĩ nhân để cho thấy họ từng tìm kiếm hạnh phúc như thế nào, tác giả Nguyễn Quốc Vương lựa chọn cách thể hiện vấn đề khéo léo hơn, hấp dẫn hơn, giàu ý nghĩa hơn. Và đọc sách cũng chỉ là bước khởi đầu khiêm tốn cho hành trình dài, đầy gian khó hướng tới hạnh phúc và tự do thôi.

Tình Lê

12 năm kinh hoàng của sao nữ khi tham gia Giáo phái tình dục

12 năm kinh hoàng của sao nữ khi tham gia Giáo phái tình dục

Hai năm kể từ ngày vụ giáo phái tình dục bị phanh phui, Sarah Edmondson quyết định ra cuốn hồi ký về năm tháng khủng khiếp ở "Giáo phái tình dục" NXIVM.