Câu chuyện tiếng ồn ở chung cư, kém văn minh trong lối ứng xử vốn được đề cập rất nhiều. Không phải gia đình nào cũng học được cách giữ trật tự chung. Có người nghĩ rằng, mình đã đóng cửa thì việc trong nhà mình, mình làm. Họ chẳng cần bận tâm tới hàng xóm nghĩ gì, nói gì.
Anh T. vốn là người sinh sống ở chung cư đã lâu nên những người chuyển đến sau đều qua nhà anh hỏi han. Cả tầng, nhà anh có lẽ là cởi mở nhất.
Vốn yêu văn nghệ, anh T. sắm nguyên một dàn karaoke, tối nào cũng hát. Anh thường rủ hàng xóm thậm chí là bạn bè đến hát cùng cho vui.
Hàng xóm mới đầu được mời cũng vui vẻ nhận lời. Nhưng lâu dần, việc hát hò làm ảnh hưởng đến không khí chung. Nhiều người ý kiến, tỏ thái độ không hài lòng. Dù anh đã đóng kín cửa nhưng âm thanh vẫn lọt ra ngoài nhất là lúc trưa và tối muộn.
Ở chung cư, mỗi người mỗi cảnh, nhà có con nhỏ, nhà có cụ già. Cả tầng đều nói khó khiến anh T. phải rút kinh nghiệm. Anh không còn tụ tập bạn bè hát hò nữa. Nhưng cũng kể từ đó, gia đình anh gần như cắt đứt quan hệ với hàng xóm.
Không chỉ chuyện hát hò của anh T., chuyện trẻ chơi ở hành lang chung cư cũng vậy. Hành lang vốn được coi là “sân chơi” dành cho trẻ nhất là trong lúc dịch bệnh.
Trẻ nhỏ không hiểu chuyện, có chỗ là chạy ra chơi. Bố mẹ cũng bất lực vì không thể giữ trẻ mãi ở trong nhà. Vậy nên cách duy nhất là để cho trẻ chơi ở hành lang. Nhưng việc này ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của các hộ gia đình khác.
Anh H. vốn rất thân với hàng xóm đối diện thì giờ đã không còn chơi nữa. Mọi chuyện bắt đầu từ sau khi vợ anh sinh con. Từ khi có con nhỏ, gia đình anh H. hạn chế giao lưu.
Người lớn thì vậy nhưng trẻ con lại khó cản. Chúng thường xuyên chạy sang nhà anh H. chơi như một thói quen. Lúc con anh H. ngủ, tụi trẻ cũng vô tư chạy vào nhà. Sau này, anh phải đóng cửa lại để tránh trẻ sang nhà mình tự do.
Trẻ vì không vào được nhà nên đành chơi ở hành lang. Tiếng hét hò của chúng khiến con anh H. liên tục giật mình. Vợ anh cứ ngủ một lúc lại phải dậy bế con. Đỉnh điểm là lúc trẻ đá bóng vào cửa nhà anh khiến em bé khóc toáng lên.
Quá giận, anh H. buộc phải sang nhà hàng xóm nhắc nhở. Ban đầu hàng xóm cũng có vẻ hợp tác, mắng con. Nhưng chỉ vài ngày sau mọi chuyện lại đâu vào đấy.
Quá nhiều lần như vậy, nhà anh H. không chịu nổi. Anh phản ánh với ban quản lý và rồi chuyện bé xé ra to. Đôi bên tranh luận, cự cãi về việc trẻ không có sân chơi. Người khẳng định con chỉ chơi trước cửa nhà mình. Người lại cho rằng bố mẹ không biết bảo ban con mình, để ảnh hưởng đến cuộc sống chung.
Sau chuyện đó, anh H. và hàng xóm mâu thuẫn căng thẳng, gần như cạch mặt nhau.
Chung cư vốn là nơi sống của rất nhiều hộ gia đình. Nhưng càng “chung” thì lại càng phải có những cái riêng để tôn trọng cuộc sống của nhau. Chỉ cần một người thiếu ý thức là có thể khiến cho nhiều người khốn đốn.
Vậy nên, mỗi người đều nên tự vấn và tiếp thu những ý kiến đóng góp của tập thể để cuộc sống văn minh, hiện đại hơn.
Độc giả Mai
Tôn trọng sự riêng tư: Khi bố chồng nhiệt tình thái quá
Ông chưa có hành động nào vượt quá giới hạn nhưng tôi cứ thấy không yên tâm. Tôi định nói với chồng và mẹ chồng để họ góp ý với bố nhưng lại không biết nói như thế nào?