Thực hiện kế hoạch Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024, Hậu Giang đề ra mục tiêu chú trọng đầu tư đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập tốt cho người nghèo; nâng cao thể trạng, tầm vóc của trẻ em.

Với tiểu dự án 2: Cải thiện dinh dưỡng nằm trong Dự án 3 về Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng thuộc Chương trình, năm nay, nguồn vốn bố trí thực hiện là hơn 4 tỷ đồng, trong đó có 3,5 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, số còn lại là ngân sách địa phương.

Ngành y tế được giao nhiệm vụ hỗ trợ tiếp cận, can thiệp trực tiếp phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và cho con bú, trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hoạt động về truyền thông dinh dưỡng.

W-du an   bac giang   nong thon 6.jpg
Trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là nhóm đối tượng được quan tâm phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng.

Trong năm, ngành dân số tỉnh Hậu Giang đã tổ chức hoạt động cấp vi chất dinh dưỡng cho trẻ bị suy dinh dưỡng là con hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở tỉnh, góp phần bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ và khuyến khích sự quan tâm dinh dưỡng hợp lý cho trẻ từ các gia đình. 

Năm 2024, để bên cạnh thực hiện giải pháp ngắn hạn là bổ sung viên nang vitamin A liều cao trong các chiến dịch cho trẻ, ngành y tế Hậu Giang còn có chiến lược dài hạn, bền vững phòng chống thiếu vitamin A và các vitamin, khoáng chất khác.

Tại xã Phú Hữu, huyện Châu Thành (Hậu Giang), ngoài thực hiện chiến dịch bổ sung vitamin A, Trạm Y tế xã này tăng cường truyền thông, hướng dẫn nâng cao nhận thức gia đình về thực hành dinh dưỡng hợp lý, cải thiện bữa ăn, thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ. Trong năm nay, xã đã tổ chức 6 buổi truyền thông, hướng dẫn thực hành nấu cháo dinh dưỡng tại trạm y tế và tại cộng đồng.

Để thực hiện mục tiêu nâng cao thể trạng, tầm vóc của trẻ em trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, 2 năm qua, ngành dân số tỉnh Hậu Giang đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, tác động trực tiếp đến nhóm đối tượng này. Trước khi cấp vi chất dinh dưỡng cho trẻ, cộng tác viên dân số từng ấp đi từng nhà hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để cân, đo và đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ từ 5 đến 16 tuổi.

Dựa trên kết quả cân đo, tính số lượng trẻ suy dinh dưỡng các thể, cán bộ sẽ dự trù đề xuất được cấp vi chất dinh dưỡng. Sau khi nhận gói vi chất, các cộng tác viên dân số sẽ trực tiếp cấp cho gia đình và hướng dẫn cho trẻ uống đúng cách, đảm bảo 100% trẻ suy dinh dưỡng được tiếp cận.

Gia đình chị Võ Thị Vẹn, ở ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hữu, là hộ mới thoát nghèo. Chị Vẹn có con gái là bé Lê Thị Thúy An, 8 tuổi. Hai năm nay, bé đã được nhận 2 lần cấp vi chất dinh dưỡng. Niềm vui thoát nghèo, cộng với sự phấn khởi khi thấy con gái tăng cân nhanh hơn trước khiến chị Vẹn càng yên tâm.

Chị kể, mấy năm trước, gia đình rất lo lắng khi trẻ hơn 7 tuổi chưa được 20kg. Sau các đợt bổ sung vi chất dinh dưỡng, con ăn được hơn và tăng cân, đã được 22kg.

Cũng nhận được quan tâm cấp vi chất dinh dưỡng giúp con em được phát triển tốt hơn là hộ nghèo bà Nguyễn Thị Hồng Hoa,  ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp. Gia đình bà Hoa có hai người con gồm con trai lớn 16 tuổi và con gái nhỏ 5 tuổi, đều nằm trong nhóm tuổi can thiệp của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3). 

Bà Hoa kể, gia đình nghèo khó, kiếm được cá, hái được rau thì cho con ăn, thương con nhưng bà không có điều kiện mua nhiều loại thực phẩm. Nhờ được cấp vi chất dinh dưỡng, 2 cháu có điều kiện phát triển thể chất tốt hơn, gia đình cảm thấy được Nhà nước chia sẻ mối lo lắng về dinh dưỡng cho con.

Cấp vi chất dinh dưỡng cho trẻ bị suy dinh dưỡng là con hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo làm hoạt động thiết thực và cần thiết, hiệu quả. Việc bổ sung vi chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là ở những nhóm đối tượng dễ bị thiếu hụt như trẻ em. 

Chi cục Dân số tỉnh đã cấp vi chất dinh dưỡng đợt I (năm 2024) với trên 4.300 trẻ em từ 6 tháng đến dưới 16 tuổi bị suy dinh dưỡng (thấp còi, nhẹ cân, gầy còm), góp phần bổ sung vi chất dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ em nghèo, mới thoát nghèo, đạt tỷ lệ 100%, vượt chỉ tiêu Trung ương giao. Dự kiến cuối trong tháng 12, tỉnh sẽ tiếp tục cấp đợt II.