Mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh đã ký Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và thăng hạng 21 sản phẩm OCOP tỉnh Hậu Giang năm 2021. Theo đó tỉnh này công nhận 21 sản phẩm của 16 chủ thể đạt từ 3 sao trở lên gồm: 6 sản phẩm đạt 4 sao (có 1 sản phẩm thăng hạng từ 3 sao lên 4 sao), 15 sản phẩm đạt 3 sao.

Có 6 sản phẩm đạt 4 sao là: Gạo sạch Liên Hưng (OM 5451), Gạo sạch Liên Hưng (Đài Thơm 8) của Công ty TNHH Liên Hưng thuộc thị xã Long Mỹ; Nấm bào ngư tẩm gia vị ăn liền, Bột Chuối xiêm của Hợp tác xã nông sản sạch An Phát thuộc huyện Vị Thủy;  Lạp Xưởng Mỹ Yến của Cơ sở sản xuất lạp xưởng Mỹ Yến thuộc huyện Châu Thành A. Riêng sản phẩm Khô cá Sặc Rằn một nắng Kỳ Như (Khô lạc) của Hợp tác xã Kỳ Như thuộc huyện Phụng Hiệp được thăng hạng từ 3 sao lên 4 sao.

Có 15 sản phẩm đạt 3 sao gồm: Giỏ bán nguyệt (đan lát từ Lục Bình), các loại trái cây như xoài Cát Hồng, dưa hấu; Sản phẩm chế biến từ trái cây như mãng cầu, dứa, bưởi, đậu phộng; Sản phẩm chế biến như Chả cá Thát Lát, Mắm Cá Lốc…

{keywords}
Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tỉnh Hậu Giang tại Hội chợ công thương và sản phẩm OCOP khu vực Phía Nam

Bên cạnh đó, có 2 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao là Chanh không hạt đóng khay Bio Fruit Coop và Bưởi năm roi của Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP Quốc gia.

Các chủ thể sản xuất có sản phẩm nêu trên sẽ được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận, được sử dụng giấy chứng nhận, logo và thứ hạng sao sản phẩm OCOP để in/dán trên bao bì sản phẩm theo đúng quy định hiện hành. Kết quả công nhận này sẽ có giá trị trong 3 năm.

UBND tỉnh Sóc Trăng đã giao Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tổ chức công bố sản phẩm được phân hạng, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ thể OCOP được thực hiện việc sử dụng và in ấn các nhãn hiệu, tem OCOP, thứ hạng sao trên bao bì sản phẩm được công nhận theo quy định.

Năm 2021 Hậu Giang đề ra mục tiêu có thêm ít nhất 40 sản phẩm OCOP cấp tỉnh; Hình thành điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các trung tâm thương mại, khu du lịch, khu đô thị trên địa bàn tỉnh và tại các thành phố lớn trong nước, thúc đẩy tích cực phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở, làng nghề, từng bước tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân khu vực nông thôn.

 N.M