-Cuốn sách “Hãy cầm lấy và đọc” của GS.TS. Huỳnh Như Phương như một lời nhắn nhủ trân trọng tới độc giả hãy đọc sách, tiếp xúc trực tiếp với một cuốn sách, hãy tự trải nghiệm mà không bước qua một trung gian nào.

Trong khuôn khổ Hội sách Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IX – 2016, Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM ra mắt bạn đọc cuốn sách “Hãy cầm lấy và đọc” của GS.TS. Huỳnh Như Phương với thông điệp Tolle et lege (Saint Augustin).

Tương truyền rằng hồi còn trẻ, một lần Saint Augustin ngồi cô đơn và tĩnh lặng trong vườn, vẳng nghe bên tai giọng nói thầm thì của một em bé: “Hãy cầm lấy và đọc!” (Tolle et lege). Câu nói ấy lặp đi lặp lại như một điệp khúc. Từ hôm đó, được thúc đẩy bởi một sứ mệnh có tính chất mặc khải, ông đi sâu nghiên cứu Kinh thánh, triết học, thần học và trở thành nhà tư tưởng hàng đầu của thời Trung đại.

{keywords}

Vượt qua tính chất huyền bí của câu chuyện ấy, Tolle et lege trở thành lời mời gọi trân trọng người ta đọc một cuốn sách. “Hãy cầm lấy và đọc!” có thể xem là một thông điệp: hãy tiếp xúc trực tiếp với một cuốn sách, hãy tự trải nghiệm mà không bước qua một trung gian nào. Cùng với thức ăn để duy trì sự sống của cơ thể, con người còn cần thức ăn nuôi dưỡng cho tinh thần. Đọc là một cách nạp năng lượng cho sự sống tinh thần. Người tuyệt thực, không ăn uống, có thể chết. Người không đọc, không xem, không nghe cũng có thể “chết”, cái chết dần dần, êm ái, không dễ nhận ra.

Sách được chia làm hai phần: Hãy cầm lấy và đọc; Sách và người. Phần đầu dành 27 bài viết về việc đọc sách cùng một số hiện tượng của xuất bản và tiếp nhận văn học: Có chăng nghệ thuật đọc sách?; Phê bình sách và sách phê bình; Sách và giáo dục; Một sáng kiến cho văn hóa đọc; Hiện tượng “sách nhũn”; Sách ơi, nhiều lỗi quá!... . 

Phần sau gồm 34 bài viết về một số tác giả, tác phẩm văn học hiện đại mà tác giả Huỳnh Như Phương có cơ may gặp gỡ, tiếp xúc: Từ một bài báo xuân của Đoàn Giỏi; Trang Thế Hy giã biệt quán đời; Nguyễn Mạnh Tuấn kể tiếp chuyện đời; Tạp văn của Nguyễn Nhật Ánh….

Lâu nay chúng ta thường được nghe báo động về sự sa sút của văn hoá đọc. Giải quyết tình trạng này, cần phải tính đến cả hai phương diện: chủ thể đọc và đối tượng đọc, nghĩa là phải có người ham đọc và có sách hay để đọc, hai điều này tác động qua lại với nhau. Nếu chỉ có những cuốn sách dở thì hiển nhiên người đọc sẽ hờ hững. Ngược lại, nếu người đọc không được chuẩn bị nền tảng văn hoá cần thiết thì dù sách hay bao nhiêu vẫn là vô ích.

Xưa Mạnh Tử nói: “Tận tín ư thư bất như vô thư” (Tin hoàn toàn vào sách thì thà đừng có sách còn hơn). Đọc sách có thể đứng trước cơ hội hoặc nguy cơ, bởi vì đọc là một thử thách của trí tuệ. Để không bị mù quáng vì sách, chỉ có cách đọc trong sự chọn lựa, cân nhắc và phê phán. Đọc nhiều xu hướng, nhiều quan niệm khác nhau, để so sánh, đối chứng và phá vỡ sự cực đoan. Đọc để tiêu hóa kiến thức, sáng tạo và đưa chân lý, điều Thiện, cái đẹp đi vào cuộc đời.

Sách sinh ra không phải để được trưng bày, khoe của hay làm dáng. Sách cũng không nên trở thành một cổ vật rêu phong. Sách là để “lần giở trước đèn” ”, GS.TS. Huỳnh Như Phương chia sẻ.

T.Lê