- Đối với những cựu chiến binh tham gia mặt trận Vị Xuyên, ngày 14/7/2014 là một trong những sự kiện của 9 Sư đoàn tham gia chiến dịch.
Điểm hội quân 468
Nhà tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Vị Xuyên được khánh thành ngày 25/6/2016. Các cựu chiến binh Vị Xuyên gọi đây là "Điểm hội quân 468" |
Ông Hoàng Thế Cương - Trưởng ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 356 - xúc động: "Cuộc gặp tình cờ của các cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang và Yên Bái ngày 12/7/2010 đã đi tới quyết định, xây đài hương tưởng niệm anh em tại chiến trường xưa, thuộc xã Thanh Thủy. Đó là nơi để mọi người đi về, yên lòng cả người sống và người mất".
Sau nhiều lần bàn bạc, anh em quyết định xây dựng đài hương trên điểm cao 468 - nơi có vị trí trung tâm nằm ở giữa thung lũng thuộc xã Thanh Thủy - nhìn bốn xung quanh là các điểm cao 772, 685, bình độ 400, 300, 1100, 2000… của chiến dịch.
Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn thắp hương tưởng niệm các liệt sỹ mặt trận Vị Xuyên tại Đài hương trên điểm cao 468 |
2 năm ròng rã quyên góp tiền bạc, đóng góp của các cựu chiến binh. Khi đó, phạm vi quyên góp cũng rất hẹp ở Ban liên lạc thuộc 2 tỉnh Yên Bái - Hà Giang. Năm 2012, công trình bắt đầu khởi công.
“Khi đó, làm gì có đường lên đỉnh đồi như bây giờ. Anh em mang cuốc xẻng phát thành một con đường dã chiến, gùi nguyên vật liệu lên để xây dựng, gùi từng xô nước lên để trộn bê-tông.
Công trình hoàn tất. Rồi chúng tôi nhận được điện thoại của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang thông báo, Chủ tịch nước muốn gặp gỡ các cựu chiến binh tham gia chiến dịch biên giới Hà Giang” - ông Nguyễn Xuân Đệ kể.
Ngày 14/7/2014. Lần đầu được vào Phủ Chủ tịch. Nhưng quan trọng nhất, đây là cơ hội để các cựu binh trình bày nguyện vọng, tâm tư tình cảm với Chủ tịch nước khi ấy - ông Trương Tấn Sang.
Điểm cao 772 - "lò vôi thế kỷ" nhìn từ đồi 468 - là nơi gần 600 chiến sỹ của Sư đoàn 356 hy sinh trong ngày 12/7/1984. Màu xanh đã trở lại, những ruộng bậc thang ôm quyện triền núi |
Đoàn Hà Giang có 3 đại biểu; các tỉnh Yên Bái, Nghệ An… cũng cử đại biểu đến. Hà Nội đông anh em nhất, và biết tin nên đã báo cho nhau nhiều hơn. Gần 100 đại diện có mặt trong buổi diện kiến Chủ tịch nước.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 2 thay mặt các cựu binh báo cáo với Chủ tịch nước về diễn biến của chiến dịch, sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ trong trận chiến đấu khốc liệt, ở địa thế hiểm trở, khó khăn…
Ông cũng trình lên Chủ tịch nước nguyện vọng chung của toàn thể đồng đội, là được xây dựng mở rộng thêm đài hương tưởng niệm liệt sỹ mặt trận Thanh Thủy - Vị Xuyên; xin chủ trương rà phá bom mìn để truy tìm hài cốt các liệt sỹ vẫn còn nằm lại chiến trường.
Và, một nội dung quan trọng khác, đó là quan tâm đến những người đang sống, bởi trong số đó, nhiều người vẫn chưa được nhận chính sách đãi ngộ đối với người có công với cách mạng…
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang không khỏi xúc động trước tinh thần quả cảm, kiên cường và sự hy sinh to lớn của các anh. Ông chia sẻ, đất nước, nhân dân sẽ không bao giờ quên những người đã ngã xuống, sẽ quan tâm, chăm lo hơn nữa tới đời sống vật chất, tinh thần của những liệt sỹ, thân nhân và những cựu chiến binh đã tham gia chiến đấu mặt trận biên giới.
Ban bí thư Trung ương Đảng đã đồng ý cho Hà Giang phối hợp với các bộ ngành liên quan tiến hành tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên thành nghĩa trang cấp quốc gia và xây dựng cụm tượng đài chiến thắng. Hà Giang cũng có chủ trương lập dự án khu di tích lịch sử Tây sông Lô - Bắc Vị Xuyên để ghi nhận công lao của các đơn vị từng chiến đấu tại nơi này.
“Đó là tâm nguyện của tất cả các anh em cựu chiến binh, lúc nào cũng canh cánh nghĩ về những đồng đội đã ngã xuống” - ông Hoàng Thế Cường nói.
Sống bám đá, chết hóa đá
Đối với những cựu chiến binh tham gia mặt trận Vị Xuyên, ngày 14/7/2014 là một trong những sự kiện của 9 Sư đoàn tham gia chiến dịch.
Nhạc sĩ Trương Quý Hải, chiến sĩ tuyên văn của Sư đoàn 356 năm xưa, là tác giả của ca khúc “Về đây đồng đội ơi”. Hàng chục lần anh ôm đàn ghi ta hát cho đồng đội nghe, khi thì ở nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên, khi ở Đài hương và Nhà tưởng niệm trên đồi 468. Cũng ca khúc ấy, anh cùng đồng đội của mình vừa đàn vừa hát trong Phủ Chủ tịch, trong lần gặp mặt Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ngày 14/7/2014.
Nhạc sỹ Trương Quý Hải - chiến sỹ tuyên văn của Sư đoàn 356 - tác giả ca khúc "Về đây đồng đội ơi" |
"Hãy về đồng đội ơi, người lính chiến mãi đôi mươi, về đây điếu thuốc lào, ấm chè chốt hồn nhiên nụ cười. Bạn bè, đồng đội, người thân ôm nhau nước mắt chan hòa...
Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu…”.
Về đây, đồng đội ơi... Còn nằm khe đá hay thung sâu. Về đây có nhau, như nguyện ước chiến hào… |
“Về đây đồng đội ơi” được cựu binh Trương Quý Hải viết chỉ trong một ngày, sau khi đồng đội của Sư đoàn 356 có ước nguyện lập cây hương ở cao điểm 468, chỗ “đi về” cho những liệt sĩ đã hi sinh mà vẫn đang nằm lại chiến trường, chưa tập kết được về nghĩa trang liệt sĩ.
Ngày 11/7/2014, khi những cựu binh sư đoàn 356 lên cây hương ở điểm cao 468 thắp hương tưởng nhớ đồng đội, tất cả đã cùng nhau hát vang bài "Về đây đồng đội ơi".
“Sau khi hát xong, một cơn mưa trắng trời đổ xuống Vị Xuyên. Và những người vợ lính bảo rằng, có lẽ các anh ấy đã nghe thấy, và về với chúng ta” - nhạc sỹ cựu binh Vị Xuyên bùi ngùi xúc động.
Trong ký ức của nhạc sỹ Trương Quý Hải, ngày 12/7/1984, 600 chiến sỹ của Sư đoàn 356 hy sinh - ngày mà chúng ta tổn thất lực lượng nhiều nhất, cả thị xã Hà Giang trắng xóa khăn tang. “Những người mẹ chiến sĩ và nhân dân Hà Giang đã quàng những vành khăn trắng, để tang cho những chiến sĩ đã anh dũng hi sinh, bởi họ coi chúng tôi như những người con của chính gia đình họ”, người cựu binh, nhạc sĩ xót thương nhớ lại.
Ngày 25/6, Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Vị Xuyên được cựu chiến binh các đơn vị từng chiến đấu ở Hà Giang quyên góp, huy động nguồn vốn xã hội hóa, xây trên cao điểm 468, rộng hơn 1.000 m2.
Ông Hoàng Thế Cương, Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 356 tại Hà Giang nhắc lại ký ức hào hùng của ngày 12/7/1984. Người lính già rưng rưng gọi tên đồng đội…
“Những Thanh, những Đa, những Hà, những Lý
Tiến, Công, Ký, Kết, Chỉ, Ngọ, Thêm...
Tất cả anh em có còn thiếu ai không?
Xin mời các đồng đội về đài hương và nhà tưởng niệm
Ba mươi hai năm qua các đồng đội không thêm một tuổi nào
Còn chúng tôi cứ già đi và dãi dầu theo năm tháng...”
Kiên Trung