Như VietNamNet đưa tin, Công an huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam Phan Văn Cương (SN 1992) để điều tra hành vi hiếp dâm.
Theo điều tra ban đầu, khoảng 23h35 ngày 5/5, khi đã có hơi men, Cương điều khiển xe mô tô đi qua một cửa hàng buôn bán quần áo ở thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên.
Thấy chị Đ.T.H. (SN 1986, ở huyện Bình Xuyên) là chủ quán thời trang đang thử đồ, anh ta đỗ xe, lấy dao xông vào cửa hàng, đe dọa chị H. phải cho quan hệ tình dục.
Trong tình huống đó, chị H. vờ đồng ý, tìm lý do trì hoãn và lợi dụng lúc Cương không để ý, chưa thực hiện được hành vi đã giật dao, hô hoán người dân xung quanh đến giúp đỡ. Lúc này, Cương bỏ chạy và bị người dân bắt giữ.
Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho hay, theo quy định của pháp luật, tội Hiếp dâm có cấu thành hình thức.
Tức là, chỉ cần đối tượng thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân để thực hiện hành vi quan hệ tình dục hoặc giao cấu trái ý muốn với nạn nhân, không phụ thuộc đối tượng đã thỏa mãn nhu cầu sinh lý hay chưa, hành vi vẫn cấu thành tội phạm về tội Hiếp dâm theo quy định tại Điều 141 BLHS.
Thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng thì tại thời điểm bị bắt giữ đối tượng có sử dụng rượu bia. Có thể việc bị tác động, hưng phấn bởi chất kích thích khiến đối tượng thực hiện hành vi manh động hơn, liều lĩnh hơn. Tuy nhiên việc sử dụng rượu bia hoặc các chất cấm không phải là căn cứ để loại trừ trách nhiệm hình sự.
Luật sư viện dẫn quy định tại Điều 13 BLHS: "Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự."
Bởi vậy, mặc dù đối tượng thực hiện hành vi hiếp dâm tại thời điểm có hơi men, thậm chí say rượu bia thì đối tượng này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư, CQĐT sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của đối tượng gây án, đánh giá tính chất nghiêm trọng của sự việc để làm căn cứ giải quyết theo quy định của pháp luật.
CQĐT cũng sẽ làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan của đối tượng, làm rõ nhân thân lai lịch, lý lịch của đối tượng gây án để xác định nguyên nhân sự việc là do bệnh lý về tình dục hay do suy đồi đạo đức nhân cách của đối tượng gây án.
Nếu trường hợp đối tượng này có bệnh lý về tình dục thì ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự, cơ quan chức năng cũng sẽ phối hợp, khuyến khích yêu cầu đối tượng này thực hiện hoạt động điều trị, chữa bệnh để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn cho cộng đồng sau khi đối tượng chấp hành án trở về với đời sống xã hội.
Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho hay, có những đối tượng thực hiện hành vi hiếp dâm, bị phát hiện, bắt giữ, xử lý nhưng sau khi trở về với đời sống xã hội lại tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội do vấn đề sinh lý bất thường, có bệnh lý về tình dục nên nhu cầu tình dục bất thường, khó kiểm soát cảm xúc và hành vi.
Với những trường hợp như vậy, ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay, ngoài việc áp dụng chế tài hình sự, họ còn áp dụng biện pháp hành chính là "thiến hóa học", sử dụng hóa chất để tác động về mặt sinh lý khiến cho đối tượng được cân bằng sinh lý có thể kiểm soát được hành vi của mình.
Tuy nhiên ở Việt Nam vẫn chưa áp dụng quy định này. Bởi vậy với những đối tượng mắc bệnh lý về tình dục, cần động viên đối tượng và gia đình đến các cơ sở y tế để thăm khám điều trị sau khi chấp hành án để giảm thiểu những nguy cơ mất an toàn cho cộng đồng.