Theo Liên Hiệp Quốc, công trình xây dựng tiêu thụ 36% năng lượng và chiếm 39% tổng lượng phát thải khí carbon, trong đó 28% đến từ quá trình vận hành và 11% còn lại đến từ phát thải nguyên vật liệu xây dựng dự án. Cùng với sự gia tăng dân số dẫn tới biến đổi khí hậu, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng từ 3,7 đến 4,8 độ C trong 80 năm tới.
Kể từ COP 21 và hiệp định Paris (hội nghị lần thứ 21 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu), 104 quốc gia đã ký Hiệp định trên tổng số 194 quốc gia tham gia. Trong đó, 68 quốc gia đã có quy chuẩn về việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong công trình.
Các quy chuẩn này được tập hợp thành tiêu chuẩn công trình xanh và năng lượng xanh ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Công trình xanh là gì?
Công trình xanh là khái niệm được Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ đưa ra vào khoảng năm 1993. Đến năm 2007, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam đã được thành lập và đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá riêng về công trình xanh dựa trên các tiêu chuẩn chung của quốc tế.
Theo đó, các tiêu chí cơ bản để xác định một công trình xanh dựa trên mức độ sử dụng hiệu quả năng lượng, giải pháp hạn chế ô nhiễm, đảm bảo chất lượng không khí, tính toán đến yếu tố môi trường trong thiết kế, vận hành. Các tiêu chí này đều có thang đo điểm và được cụ thể hóa bằng hệ thống tiêu chí LOTUS, từ đạt Chứng nhận cho đến hạng Bạch kim, Vàng, Bạc.
Công trình xanh đem đến hiệu quả tiết kiệm năng lượng cho hộ gia đình, văn phòng, tòa nhà trung tâm thương mại lớn |
Về chỉ tiêu cụ thể, công trình xanh có đóng góp lớn vào việc xây dựng đô thị xanh cho thành phố, nhờ góp phần cải thiện hiệu quả cho hai chỉ tiêu quan trọng là tỷ lệ đầu tư dự án mới thực hiện xây dựng đô thị tăng trưởng xanh (0104) và tỷ lệ công trình xây dựng nghiệm thu được cấp chứng chỉ công trình xanh (0105), theo Thông tư 01/2018/TT-BXD.
Về những con số, đối với các công trình mới, nếu áp dụng đồng bộ các giải pháp thiết kế kiến trúc, sử dụng vật liệu tiết kiệm năng lượng, lắp đặt và vận hành các thiết bị có hiệu suất năng lượng cao, có cán bộ quản lý năng lượng đủ trình độ thì có thể tiết kiệm đến 30-40% năng lượng tiêu thụ so với các công trình khác. Đối với các công trình đang hoạt động hoặc sắp cải tạo, nếu tiến hành kiểm toán năng lượng và sau đó triển khai giải pháp này thì hiệu quả cũng có thể tiết kiệm tới 25% năng lượng tiêu thụ.
Tuy vậy, việc đầu tư xây dựng công trình xanh vẫn vấp phải rào cản là tâm lý e dè của chủ đầu tư, do chưa hiểu đúng về công trình xanh dẫn tới nhận thức để thay đổi còn hạn chế. Hiện số dự án đạt chứng nhận LOTUS ở Việt Nam chỉ là 31 công trình và còn 39 dự án đang triển khai.
Còn năng lượng xanh là gì?
Năng lượng xanh là danh hiệu mà Hà Nội trao cho các cơ sở, công trình xây dựng đạt được các chỉ tiêu do thành phố đưa ra theo Quyết định số 2173/QĐ-UBND. Chương trình năng lượng xanh đã được Hà Nội triển khai từ năm 2017, thu hút 171 cơ sở tham gia đánh giá công nhận danh hiệu cơ sở, công trình xây dựng sử dụng năng lượng xanh. Hiện thành phố đã trao danh hiệu năng lượng xanh cho 66 công trình, cơ sở.
Các cơ sở tham gia chương trình được hỗ trợ đánh giá hiệu quả năng lượng bằng công cụ mô phỏng năng lượng, hỗ trợ tính toán chỉ số hiệu quả năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, đánh giá ứng dụng đổi mới trang thiết bị, kỹ thuật có mức độ tự động hóa cao theo hướng công nghệ 4.0.
Chương trình trao danh hiệu Năng lượng xanh của Hà Nội đã triển khai từ năm 2017 |
Theo đánh giá sơ bộ, việc triển khai chương trình này giúp Hà Nội tiết kiệm được 192,2k TOE (nghìn tấn dầu quy đổi), đạt 2,6% so với dự báo nhu cầu đạt kế hoạch và mục tiêu đặt ra.
Như vậy, cả công trình xanh và năng lượng xanh đều là một tập hợp các quy chuẩn trong đánh giá, thiết kế, thi công để xác định thế nào là cơ sở, công trình xây dựng đạt chuẩn xanh. Đây không chỉ là mục tiêu mà Hà Nội hay Việt Nam hướng tới, mà sẽ là xu hướng tất yếu của xây dựng trên toàn thế giới trong thời gian tới.
Phương Nguyễn
Các công trình xanh tiêu biểu tại Việt Nam
Đây là những công trình cần được nhân rộng, trong bối cảnh yêu cầu về tiết kiệm năng lượng đang đặt ra những thách thức không hề nhỏ cho sự phát triển của ngành điện nước ta.