Qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân trong thời đại công nghệ 4.0.
Ứng dụng truyền thanh thông minh giúp Đài truyền thanh thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương nâng cao hiệu quả hoạt động. Ảnh: Dương Chung
Dù ở bất cứ vị trí nào, chỉ cần 1 chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh kết nối Internet, cùng với vài thao tác đơn giản, chị Phan Thị Nguyệt, cán bộ phụ trách truyền thanh thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương có thể cài đặt lịch phát tự động cho đài truyền thanh thị trấn.
Chị Nguyệt cho biết: "Từ năm 2022, thị trấn Hợp Hòa được đầu tư lắp đặt 14 cụm truyền thanh thông minh tại 7 khu dân cư; thiết bị tích hợp số hóa, sim 4G..., do đó thông tin được truyền tải nhanh, hiệu quả hơn rất nhiều.
So với hệ thống đài truyền thanh hữu tuyến trước kia thì truyền thanh thông minh có nhiều ưu điểm vượt trội như không cần dây dẫn, gọn nhẹ, dễ điều khiển, vận hành thiết bị, chất lượng âm thanh rõ ràng; dễ dàng quản trị, giám sát, điều khiển tập trung; chất lượng âm thanh tốt hơn, không bị tình trạng chèn sóng, lẫn sóng…
Việc tạo lập, kiểm soát, thu âm phát thanh từng bản tin trở nên dễ dàng, nhanh chóng… Qua đó giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực, công sức trong quá trình vận hành”.
Thị trấn Thổ Tang là một trong những đơn vị đi đầu của huyện Vĩnh Tường về chuyển đổi số đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông AI. Đài truyền thanh thị trấn đang áp dụng công nghệ thông tin vào vận hành tự động và sản xuất các chương trình truyền thanh trên nền tảng công nghệ 4.0; số hóa các chương trình...
Quản lý Đài truyền thanh thị trấn Thổ Tang Bùi Trung Huy cho biết: "Để nâng cao hiệu quả công tác thông tin truyền thông, năm 2023, Đài truyền thanh thị trấn được Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ đầu tư 15 cụm loa. Hiện, hệ thống truyền thanh thông minh được tích hợp trên nền hệ thống cũ để hoạt động song song.
Hệ thống đài truyền thanh thông minh dễ quản lý, vận hành đơn giản, tiết kiệm thời gian và nhân lực; người dùng có thể quản lý các thiết bị qua ứng dụng thông minh, giúp phát hiện các thiết bị hỏng mà không cần đến vị trị đặt cụm loa để kiểm tra.
Đồng thời, hệ thống còn có ứng dụng cài trên thiết bị di động cho phép quản lý và điều khiển toàn bộ hệ thống truyền thanh mọi lúc, mọi nơi; rất thuận tiện cho việc điều khiển chương trình phát thanh, tiếp sóng đài cấp trên đúng khung giờ quy định...".
Hệ thống truyền thanh trên địa bàn huyện Vĩnh Tường được phủ sóng tới 100% xã, thị trấn; 28 đài truyền thanh cơ sở với 680 cụm, 1.360 loa phân bố ở 178 thôn, tổ dân phố.
Thực hiện chuyển đổi số, Đài truyền thanh huyện, các đài truyền thanh cơ sở đã sử dụng công nghệ IP để truyền và nhận bản tin phát thanh qua mạng internet, sóng 3G/4G. Truyền thanh thông minh được tích hợp trên nền hệ thống cũ để hoạt động song song, giúp tiết kiệm kinh phí đầu tư.
Nhờ tích hợp trí tuệ nhân tạo AI, phần mềm truyền thanh thông minh có thể tự động nhận dạng, chuyển văn bản sang giọng nói, chuyển tệp tin âm thanh để phát ra hệ thống loa mà không cần phát thanh viên thu âm. Chất lượng âm tốt, có thể tiếp sóng trực tiếp hệ thống đài Trung ương, đài tỉnh, đài huyện, tránh tình trạng chèn sóng, nhiễu sóng.
Việc từng bước đưa đài truyền thanh thông minh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông là xu thế tất yếu trong chuyển đổi số. Hiện, trên địa bàn tỉnh đã có một số xã, thị trấn được đầu tư hệ thống truyền thanh thông minh như xã Liên Châu (Yên Lạc), xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường), thị trấn Hợp Hòa (Tam Dương)...
Qua thực tế triển khai, hệ thống truyền thanh thông minh đã phát huy hiệu quả, khẳng định được những ưu thế vượt trội do ứng dụng công nghệ mới; từng bước hình thành cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn thông tin cơ sở; khắc phục được các hạn chế của truyền thanh hữu tuyến (có dây) và truyền thanh vô tuyến (không dây) FM; đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin tuyên truyền đến người dân; phục vụ công tác quản lý Nhà nước về thông tin cơ sở.
Để đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở, các ngành chức năng, các địa phương cần bố trí kinh phí để đầu tư, nâng cấp chuyển đổi Đài truyền thanh hữu tuyến và Đài truyền thanh vô tuyến FM đồng thời chuyển đổi sang hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.
Nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ phụ trách các đài truyền thanh, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở; phấn đấu đến năm 2025, 100% hệ thống truyền thanh, phát thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.
Theo Minh Thu (Báo Vĩnh Phúc)