Để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đã đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, góp phần giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo nắm được các thông tin đầy đủ, kịp thời, chính thống. Cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn thị xã luôn quan tâm để làm sao giúp hộ nghèo cải thiện thu nhập, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để từng bước giảm nghèo bền vững theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều. 

Thị xã Long Mỹ phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 2%/năm bằng việc hỗ trợ con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và đẩy mạnh áp dụng công nghệ. Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình có cơ hội thay đổi cuộc sống. Hơn 3 năm nay, nhờ tìm hiểu, học hỏi qua các bản tin kinh tế nông nghiệp trên báo, đài truyền thanh, gia đình chị Trần Thị Hồng Loan ở phường Bình Thạnh đã đầu tư nuôi lươn thành công. Thậm chí, để mở rộng quy mô, chị Loan vay thêm 50 triệu đồng từ tổ vay vốn tiết kiệm của phường. Hiện chị có hơn 30 nghìn con lươn. 

nuoi luon.jpg
Nhờ học hỏi qua truyền thông và kinh nghiệm được tuyên truyền trên đài phát thanh từ những người nuôi trước, nhiều gia đình mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi lươn để tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo 

Từ đầu năm đến nay, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đã hỗ trợ cho 8 hộ nghèo với số tiền trên 120 triệu đồng. Mục tiêu của thị xã là trong giai đoạn 2024-2029, mỗi xã, phường sẽ phấn đấu có ít nhất một ấp hoặc khu vực không còn hộ nghèo. 

Sau quá trình kiểm tra, đánh giá, Mặt trận Tổ quốc xã Long Trị đã hỗ trợ gia đình anh Trần Minh Dương 2 con bò giống trị giá gần 40 triệu đồng. Từ đó, anh Dương tích cực học hỏi, tiếp cận thêm kiến thức, kỹ năng từ các hệ thống truyền thông, truyền thanh rồi ứng dụng công nghệ để có phương pháp chăm sóc, nhân đàn, hướng đến tạo thu nhập ổn định cho gia đình. Đồng thời, anh Dương cũng chia sẻ, đồng hành cùng người dân, các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức những buổi kết nối với chuyên gia nông nghiệp, hướng dẫn kĩ thuật, tư vấn cách chăm sóc và phòng bệnh cho vật nuôi. Nhờ đó nhiều gia đình dần nâng cao hiệu quả chăn nuôi và nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân đi học nghề, giới thiệu việc làm 

Chia sẻ về những trăn trở trong công tác giảm nghèo, ông Phạm Văn By, Trưởng ban công tác mặt trận ấp 7 xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ bày tỏ, ông cũng tìm hiểu các địa phương khác để thấy sự phát triển ra sao. Nhưng kinh tế phải phụ thuộc vào thế mạnh của các vùng, vùng nào trồng trái đó, phải tìm được thứ phù hợp để giúp nông dân có việc làm và thu nhập. Nhờ đó, ông By, khi đó là trưởng ấp, vận động người dân mở rộng diện tích trồng rau và kết nối với các thương nhân. Đồng thời ông còn giúp người dân tiếp cận chương trình nhà lưới, các lớp tập huấn. Từ đây, người dân thay đổi cách sản xuất, từ trồng nhỏ lẻ sang tập thể và dần dần thành lập hợp tác xã nông sản an toàn xã Long Trị A với 23 hộ, mỗi ngày cung cấp hơn 200kg. Bà Trần Thị Diềm chia sẻ, thấy hiệu quả cao nên trồng theo, thấy rau cũng đỡ sâu hơn nên phấn khởi lắm. Ngoài ra, mô hình nuôi lươn tại nhà của ông By cũng đạt kết quả và phổ biến nhân rộng ra 10 hộ. Mỗi tuần ông đều đến thăm các hộ, trao đổi kinh nghiệm và bàn luận tìm đầu ra. Sự đồng hành của ông cũng là cách giúp các hộ yên tâm làm ăn. 

Thời gian qua, những cán bộ cơ sở ở thị xã thường xuyên tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân kịp thời tiếp cận chính sách giảm nghèo. Nếu các hộ muốn vay vốn ưu đãi thì tư vấn những mô hình chăn nuôi, trồng trọt, mua bán nhỏ phát triển kinh tế phù hợp. Người dân muốn có việc làm thì giới thiệu các lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm trong và ngoài địa phương, tư vấn về thị trường lao động nước ngoài. Nhờ cách làm đó mà công tác giảm nghèo ở khu vực phát huy hiệu quả, nhiều hộ từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Từ đầu năm tới nay, thị xã Long Mỹ đã khai giảng 9 lớp nghề cho lao động nông thôn (đan lát, xây dựng, may công nghiệp) góp phần giải quyết việc làm cho 1.600 lao động. Từ đó giúp nâng cao tỉ lệ lao động nông thôn qua đào tạo lên gần 80%, tạo việc làm mới cho gần 1.000 người. Ngoài ra, địa phương phối hợp với các cơ sở dạy nghề tổ chức các lớp dạy nghề cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo và lao động nữ. Thị xã còn phối hợp với trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận các cơ hội việc làm tại các công ty, xí nghiệp và lao động thời vụ ở nước ngoài.

Thông qua công tác tuyên truyền đã giúp cho người dân thấy được nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm của mình trong "cuộc chiến" giảm nghèo; từ đó, tích cực tham gia các hoạt động sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập để từng bước thoát nghèo bền vững.