Sau 6 tháng triển khai thí điểm, mô hình “Bình dân học AI” trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả bước đầu rất tích cực, hiệu quả lợi ích mang lại thực sự rõ nét đối với tất cả các đối tượng tham gia thí điểm. Đó là tiền đề quan trọng để mô hình được triển khai rộng rãi trên toàn địa bàn, tạo cú huých mạnh mẽ cho phát triển kinh tế số, xã hội số, nâng cao hiệu suất công việc của người lao động.
Tháng 3/2024, Trường Chính trị tỉnh tổ chức tập huấn trực tiếp trong 2 ngày cho toàn thể giảng viên chính trị trên địa bàn tỉnh về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy. Buổi tập huấn diễn ra trong không khí sôi nổi, hào hứng và được đánh giá rất cao về chất lượng, đem lại một góc nhìn mới cho giáo viên về trí tuệ nhân tạo - không chỉ là một công nghệ tiên tiến, AI đã trở thành cầu nối giữa lý thuyết giảng dạy và thực tế ứng dụng, mở ra những cơ hội mới cho việc học tập cá nhân hóa, tự động hóa và tối ưu hóa quá trình giảng dạy.
Giảng viên Phạm Thị Lý - Khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Chính trị tỉnh chia sẻ: "Tham gia lớp tập huấn, chúng tôi được các giảng viên, báo cáo viên đến từ Công ty TNHH Giáo dục và Đào tạo Proteacher Army và Sở Thông tin - Truyền thông truyền đạt các nội dung rất thiết thực, liên quan đến tổng quan về AI; ứng dụng công nghệ AI vào trong giảng dạy lý luận chính trị và khai thác ứng dụng nền tảng AI trong học tập, quản lý và xử lý công việc. Qua ứng dụng nền tảng AI đã giúp chúng tôi tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả trong công tác giảng dạy”.
Hưởng ứng phong trào "Bình dân học AI” do tỉnh triển khai, huyện Văn Yên đang trong quá trình triển khai chiến dịch "Văn Yên - tiên phong học AI”. Văn Yên đặt mục tiêu kết thúc năm 2024, 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã sử dụng AI hỗ trợ thực hiện công việc hàng ngày; 85% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể được học và ứng dụng nền tảng AI hỗ trợ công tác quản trị, tổ chức sản xuất, kinh doanh; 75% người dân trưởng thành có điện thoại thông minh được tiếp cận, được học và ứng dụng nền tảng AI để trải nghiệm, phục vụ công việc và sinh hoạt của bản thân. Để thực hiện, bước đầu, huyện đã tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về trí tuệ nhân tạo cho trên 500 cán bộ chủ chốt của huyện và lực lượng nòng cốt triển khai Chiến dịch "Văn Yên - tiên phong học AI”.
Ông Hà Trung Kiên - Trưởng phòng Văn hoá- Thông tin huyện Văn Yên cho hay: "Qua nghiên cứu và tìm hiểu về AI, huyện Văn Yên nhận định AI sẽ tạo ra những thay đổi tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nâng cao đời sống, chỉ số hạnh phúc của người dân đồng thời, thay đổi cách sản xuất, kinh doanh của người dân và có vai trò quan trọng trong hỗ trợ quảng bá tiềm năng du lịch của huyện tới đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế. Do đó, chúng tôi mong muốn, tập huấn về AI không chỉ giới hạn ở việc đào tạo cho các cá nhân thông thạo về AI mà còn là một nỗ lực của huyện nhằm tạo ra một đội ngũ nòng cốt thực hiện các nhiệm vụ nhằm nâng cao nhận thức và năng lực của cả cộng đồng về AI”.
500 cán bộ chủ chốt của huyện và lực lượng nòng cốt triển khai Chiến dịch "Văn Yên - tiên phong học AI” tham gia tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về trí tuệ nhân tạo.
Có thể thấy, phong trào "Bình dân học AI” đã được các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tích cực hưởng ứng và có những việc làm cụ thể, thiết thực để phổ cập các nền tảng AI cơ bản đến mọi người.
Viettel Yên Bái đã triển khai tập huấn cho toàn thể cán bộ, nhân viên khối văn phòng, phổ biến sử dụng AI phục vụ công việc cho nhân viên. Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái đã thành lập Câu lạc bộ AI; đặc biệt, học sinh của Trường đã có sản phẩm ứng dụng AI đạt giải nhì Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023 - 2024. Trường THPT Chu Văn An, huyện Văn Yên đã triển khai Cuộc thi các sản phẩm được tạo ra bằng ứng dụng AI và ứng dụng mạnh mẽ các nền tảng AI trong dạy và học.
Một số trang fanpage, kênh TikTok có lượng người tương tác lớn đã biết đến và tham gia lan tỏa cho chương trình. Mô hình thí điểm "Bình dân học AI” của tỉnh Yên Bái đã được một số tỉnh bạn biết đến và đề nghị được chia sẻ kinh nghiệm như: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Bình Dương.
Kết quả rõ nét từ khi mô hình "Bình dân học AI” được triển khai là cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp đã nhận thức được lợi ích của AI trong việc hỗ trợ cải thiện năng suất lao động, tăng lên đáng kể mức độ quan tâm và tham gia của người học.
Qua 6 tháng triển khai thí điểm, toàn tỉnh có 151 thành viên tham gia nhóm nòng cốt, đạt 302% kế hoạch; mở được 37 lớp bình dân học AI, đạt 154% kế hoạch với 2.500 người tham gia học tập, đạt 500% kế hoạch; 100 video, tài liệu được xây dựng, chia sẻ; 600 người biết ứng dụng AI mang lại hiệu quả, đạt 400%.
Phong trào "Bình dân học AI” đã lan tỏa rộng khắp các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh, tạo hiệu ứng tích cực để mọi người biết ứng dụng, điều khiển AI.
Ông Nguyễn Thúc Mạnh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái đánh giá: Từ hiệu quả bước đầu rất tích cực mà việc triển khai thí điểm mô hình "Bình dân học AI” mang lại, Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng việc phổ cập các nền tảng AI cơ bản cho người dân là rất cần thiết hiện nay. Việc điều khiển, khai thác sử dụng AI một cách an toàn, hiệu quả của mỗi người dân sẽ góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số mà tỉnh đang thực hiện.
Do đó, Sở đã tham mưu để tỉnh triển khai phong trào "Bình dân học AI” trên địa bàn toàn tỉnh với nội dung chủ yếu là xây dựng mạng lưới nòng cốt phong trào "Bình dân học AI”; tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về AI cho lực lượng nòng cốt của phong trào. Đồng thời, tuyên truyền, vận động phát triển thành viên tham gia phong trào.
Từ đó, triển khai sâu rộng phong trào trong toàn tỉnh nhằm tuyên truyền, vận động, khuyến khích, thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân tự nguyện tiếp cận, tham gia tự học và chia sẻ, lan tỏa kiến thức, kỹ năng sử dụng và điều khiển AI phục vụ thực tiễn công việc, cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân.
Thanh Chi (Báo Yên Bái)