Tối 9/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Quang Huy (34 tuổi) Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính và Lâm Thị Hồng Tâm (50 tuổi) Thủ quỹ của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng về tội tham ô tài sản. Cả hai đã “rút ruột” tài khoản của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng số tiền 86 tỷ đồng.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra cũng đang làm rõ trách nhiệm liên quan của ông Đoàn Quang Vinh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng và một số cá nhân khác.

Theo lời khai ban đầu, 2 bị can có mối quan hệ quen biết từ trước. Năm 2014, Lâm Thị Hồng Tâm từ vị trí cán bộ kế toán được Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng bổ nhiệm làm Trưởng Phòng Kế hoạch- Tài chính.

Tháng 5/2018, Tâm xin thôi chức vụ này và giới thiệu Hoàng Quang Huy thay thế, được lãnh đạo trường chấp nhận. Từ tháng 7/2020, Tâm được Huy phân công làm thủ quỹ, có nhiệm vụ giữ tiền mặt, quản lý sổ sách, thu chi và quyển séc ngân hàng.

Đầu năm 2021, Tâm nhờ Huy cho vay 500 triệu đồng từ quỹ của trường để giải quyết việc cá nhân và được Huy đồng ý. Do quỹ tiền mặt không đủ, Tâm đề nghị Huy cho rút tiền từ tài khoản của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng.

Để thực hiện hành vi, Tâm điền thông tin vào quyển séc ngân hàng và đưa Huy ký xác nhận, sau đó trình cho ông Đoàn Quang Vinh ký duyệt.

Sau lần thứ nhất thành công, Tâm nói với Huy cần nhiều tiền chung vốn làm ăn nên đề nghị tiếp tục mượn tiền từ tài khoản của trường. 

Theo thông tin ban đầu, Tâm nhiều lần đề nghị ông Vinh ký séc với lý do rút tiền nhập vào quỹ tiền mặt của trường để phục vụ các chi tiêu. Sợ ông Vinh không đồng ý duyệt rút số tiền lớn nên Tâm bàn Huy để trống số tiền cần rút trên séc. 

Mỗi lần trình séc lên lãnh đạo, Tâm và Huy không ghi rõ số tiền nhưng vẫn được ông Vinh ký duyệt. Ông Vinh đã nhiều lần ký vào các tờ séc khống theo đề nghị của Tâm. Có được chữ ký của chủ tài khoản ngân hàng, Tâm đã rút tổng cộng 86,6 tỷ đồng để sử dụng vào mục đích cá nhân.

Theo giới thiệu lý lịch, ông Đoàn Quang Vinh (sinh năm 1962, quê quán Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) có học vị Tiến sĩ. Từ năm 1986 ông giảng dạy tại Khoa Điện, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Năm 2010-2012 ông giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa- ĐH Đà Nẵng.

Từ 2012-tháng 11/2017 là Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng. Tháng 12/2017 ông được điều động, bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng nhiệm kỳ 2017-2022.

Trên website của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, PGS.TS Đoàn Quang Vinh được giới thiệu trong thời gian làm hiệu trưởng đã có những đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo theo hướng tích hợp, gắn kết với doanh nghiệp, áp dụng phương pháp giảng dạy “Học theo dự án” một cách có hệ thống. Bước đầu xây dựng cơ chế hoạt động tự chủ và hệ thống quản trị đại học tiên tiến trong nhà trường.

Tháng 1/2023, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu được bổ nhiệm thay ông Đoàn Quang Vinh làm Hiệu trưởng nhà trường.

Tại buổi lễ công bố quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng diễn ra vào ngày 3/1, lãnh đạo ĐH Đà Nẵng đánh giá: “TS. Đoàn Quang Vinh đã nỗ lực hết mình, với tinh thần trách nhiệm đã dành trọn tâm huyết với Trường ĐH Bách khoa- ĐH Đà Nẵng. Lãnh đạo ĐH Đà Nẵng trân trọng, cảm ơn những đóng góp của TS. Đoàn Quang Vinh cho sự phát triển của Trường ĐH Bách khoa nói riêng và ĐH Đà Nẵng nói riêng”.

Việc sai phạm tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng được phát hiện vào ngày 3/2 mới đây. Khi thấy có hiện tượng chậm trả tiền lương cho cán bộ viên chức và tiền học bổng cho sinh viên, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện có sai phạm tài chính tại trường.

Nhà trường đã kịp thời báo cáo ĐH Đà Nẵng và ĐH Đà Nẵng chỉ đạo Trường ĐH Bách khoa liên hệ ngay với Công an Thành phố Đà Nẵng để thông báo sự việc, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng để cung cấp thông tin, phục vụ công tác điều tra, xác minh làm rõ sự việc.

Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng giữ vị trí quan trọng, nòng cốt trong các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng. Nhà trường có quy mô hơn 15.000 nghiên cứu sinh, học viên và sinh viên; đào tạo 34 chuyên ngành đại học bậc Cử nhân, 38 chuyên ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù bậc Kỹ sư, Kiến trúc sư, 17 chuyên ngành cao học và 16 chuyên ngành tiến sĩ.