Hillary Clinton khẳng định trên đường đi vận động tranh cử rằng bà là chính mình - và trong những tuần gần đây, bà đã thực sự chứng tỏ điều đó.

TIN BÀI KHÁC:

Mới đây nhất, bà đã dành cho Tổng thống Barack Obama một 'cú giáng', khi tuyên bố phản đối Hiệp định Đối tác kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại lớn gồm 12 quốc gia ven Thái Bình Dương mà bà từng góp sức đàm phán với tư cách Ngoại trưởng Mỹ.

{keywords}
Bà Hillary Clinton và ông Barack Obama. (Ảnh: AP)

Nhà Clinton có lịch sử lâu năm với thương mại tự do. Chính chồng bà, Tổng thống Bill Clinton, đã ký thỏa thuận lớn đầu tiên của khu vực: Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ. Và bản thân Hillary Clinton khi làm Ngoại trưởng đã tham gia các cuộc đàm phán về TPP - từng gọi nó là "tiêu chuẩn vàng" của các hiệp định thương mại.

Nhưng đến ngày 7/10, bà đã tung đòn mạnh giáng vào chính thỏa thuận này, khi tuyên bố lập trường phản đối chỉ 2 ngày sau khi nhà đàm phán hàng đầu của chính quyền Obama thông báo Mỹ, sau nhiều năm đàm phán, đã đạt được thỏa thuận.

"Đến hôm nay, tôi không ủng hộ những gì tôi đã biết về nó", bà Clinton nói trên PBS. "Tôi không tin hiệp định sẽ đáp ứng được tiêu chuẩn cao mà tôi đã đặt ra".

Với tư cách là một ứng viên Tổng thống, Hillary Clinton cho rằng TPP không đủ năng lực kiểm soát vấn đề thao túng tiền tệ hoặc bảo vệ người tiêu dùng khỏi giá thuốc quá cao.

Theo những người quan sát, phản đối TPP sẽ mang lại cho Hillary Clinton sự ủng hộ từ các nhóm lao động và các thành viên Dân chủ có tư tưởng tự do. Họ cho rằng, TPP sẽ tước đi việc làm trong ngành sản xuất và làm suy yếu các luật về môi trường. Một lý do khác nữa không kém quan trọng, đó là trong trường hợp Phó Tổng thống Joe Biden tham gia chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016 thì vị cựu Ngoại trưởng có thể cần một cương lĩnh tranh cử khác biệt.

Theo CNN, đây không phải lần đầu Hillary Clinton "quay ngoắt" với các chính sách của ông Obama. Trước đó, bà đã phản pháo Tổng thống đương nhiệm về các vấn đề nhập cư, Syria và dự án đường ống Keystone.

Chính quyền Obama đã tích cực thực thi các luật về nhập cư, tăng cường chủ trương trục xuất nhằm tránh để Nhà Trắng bị cáo buộc lỏng lẻo về các chính sách an ninh. Số vụ trục xuất đạt mức cao kỷ lục, 438.421 trường hợp trong năm 2013.

Hillary Clinton từng nói ông Obama không còn cách nào khác ngoài việc phải thi hành các điều luật hiện có. Nhưng trong cuộc phỏng vấn với Telemundo hôm 5/10, bà lại cho rằng đã đến lúc có một cách tiếp cận khác.

Khi được hỏi liệu bà có nghĩ ông Obama đã làm hết sức có thể trong quyền hạn của mình để cải thiện các hệ thống nhập cư hiện nay, nữ ứng viên Tổng thống Mỹ trả lời, việc tăng cường thực hiện các quy định về trục xuất là một sai lầm.

Về Syria, Hillary Clinton cũng chứng tỏ bản thân là một tiếng nói độc lập. Trong cuốn sách "Những lựa chọn khó khăn", bà viết rằng, trên cương vị Ngoại trưởng, bà đã yêu cầu ông Obama vũ trang cho quân nổi dậy Syria, từ rất lâu trước khi ông quyết định làm như vậy.  Hillary Clinton cũng thúc giục chính phủ cho phép thêm người tị nạn Syria vào Mỹ, đưa ra con số 65.000 người - nhiều hơn 10.000 người so với mức Nhà Trắng định tiếp nhận.

Mới đây, Hillary Clinton còn kêu gọi thiết lập một vùng cấm bay ở Syria nhưng bị Tổng thống Obama phản đối.

Về tuyến đường ống Keystone, khi Bộ Ngoai giao Mỹ bắt đầu đánh giá về tác động môi trường của dự án thì Hillary Clinton đang ở vai trò người cầm lái. Trong thời gian dài, bà thường tránh né các câu hỏi về lập trường đối với dự án, giải thích rằng bà muốn bộ này hoàn tất công việc của mình trước đã. Đó cũng là lập trường của Nhà Trắng và ông Obama đến nay vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về dự án có tổng chiều dài 3.462km chạy từ Canada tới Texas.

Nhưng hồi tháng 9, cuối cùng Hillary cũng không còn kiên nhẫn nữa và tuyên bố phản đối dự án.

Thanh Hảo