Những lỗ hổng về đội ngũ nhân lực ngành nông nghiệp

Bàn về sự cần thiết của việc tri thức hóa nông dân, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Phải đặt vấn đề tri thức hóa nông dân trong lúc này là bởi hiện chất lượng lao động nông nghiệp của chúng ta đang suy giảm.

Ông Thịnh dẫn chứng, hiện nay lao động nông nghiệp còn 17,7 triệu người (chiếm khoảng 32,8% tổng lao động cả nước). Tỷ lệ này tiếp tục giảm trong giai đoạn tới, nhưng quan trọng là cùng với sự “khan hiếm” lao động thì chất lượng lao động cũng suy giảm do hiện tượng già hóa dân số và tình trạng đô thị hóa đã “hút” nguồn nhân lực trẻ, khỏe từ nông thôn ra thành thị, dẫn đến tình trạng lao động ở lại nông thôn chủ yếu là những người trên hoặc dưới độ tuổi lao động. Điều này làm sâu thêm những lỗ hổng về đội ngũ nhân lực ngành nông nghiệp ở khu vực nông thôn vốn hạn chế hơn.

W-nongnghiep-1.png
Việc áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất đang mang lại nhưng kết quả rất tích cực.

Nghị quyết 19 của Trung ương về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” vừa được ban hành, quan tâm đến giải pháp đầu tiên trong chín giải pháp, là “Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn”. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, năng lực của mỗi người, trong đó nông dân không là ngoại lệ, bao gồm kiến thức, kỹ năng; ngoài ra, còn là thái độ đối với cuộc sống, với công việc, với nghề nghiệp.

Tri thức hoá nông dân là điều các quốc gia phát triển đã làm để biến người nông dân thành những doanh nhân, nhà khoa học, được trang bị kiến thức kinh tế thị trường, làm chủ được máy móc, công nghệ. Có tri thức, người nông dân trong quá trình sản xuất sẽ tự phát hiện vấn đề, phân tích và giải quyết vấn đề, biết và tự cân nhắc về rủi ro từ quyết định của mình. Có tri thức, người nông dân sẽ chủ động thích ứng với sự thay đổi, vượt qua những cú sốc do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng.

TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, “Lão nông tri điền” đã có công rất nhiều trong việc xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhưng thời đại ngày nay đã khác, tư duy cũ, kinh nghiệm cũ, cách làm cũ không thể giúp nông thôn, nông nghiệp tiến xa được. Chẳng hạn, bây giờ chúng ta cần khối lượng hàng hóa nông sản rất lớn và đồng nhất, nhưng “lão nông” khó làm được.

Ngày nay, mọi việc đã hoàn toàn khác. Biến đổi khí hậu gây ra thời tiết cực đoan, dịch bệnh bất thường. Biến động thị trường do nhiều yếu tố chứ không chỉ do quy luật cung cầu. Biến chuyển xu thế tiêu dùng, từ ăn no sang ăn ngon, ăn để thưởng thức, để tạo dinh dưỡng, đề bồi bổ sức khỏe lành mạnh. Xu thế tiêu dùng xanh sẽ là chủ đạo trong tương lai gần.

Với hình ảnh người nông dân chuyên nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng nhấn mạnh, nông dân trước đây sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Với yêu cầu của thực tiễn hiện nay, phải mở rộng quy mô sản xuất. Muốn mở rộng quy mô sản xuất, thì phải biết hợp tác với nhau. Nông dân chuyên nghiệp là người hiểu rõ sức mạnh của tinh thần hợp tác, tự nguyện tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Mặt khác, người nông dân muốn suy nghĩ lớn hơn, tầm nhìn xa hơn, thì phải vượt ra không gian làng xã, kết nối với không gian liên xã, liên huyện, liên tỉnh, liên vùng. Trong không gian kết nối đó, người nông dân được tiếp xúc với các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, được cung cấp kiến thức, kỹ năng, tư vấn… Do vậy, nông dân chuyên nghiệp là người có tư duy mở, luôn mong muốn mở rộng không gian giao tiếp, chủ động tạo lập các mối quan hệ xã hội.

Hồng Anh