Phải hình thành, nhân rộng "vùng xanh"
Sau gần một tháng đi thị sát, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM, khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho rằng, các địa phương dường như chỉ tập trung dập dịch ở các điểm nóng "vùng đỏ", "vùng cam" mà không chú ý đến việc hình thành, nhân rộng "vùng xanh", dẫn đến tình trạng ở nhiều nơi "vùng xanh" ngày càng bị thu hẹp. Tại TP.HCM, khoảng một tháng trước có rất nhiều "vùng xanh", nhưng đến nay cũng đã dần bị co lại.
Theo Phó thủ tướng, đợt dịch thứ 4 bùng phát, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đều nhấn mạnh phải thực hiện rất quyết liệt cả 2 mũi. Mũi thứ nhất, làm sao để truy vết, khoanh vùng những điểm, ổ dịch nóng. Mũi thứ 2, phải giữ bằng được những vùng còn an toàn. Các địa phương cũng đã bắt tay vào thực hiện. Tuy nhiên, khi xuất hiện các ổ dịch, “vùng đỏ” thì dồn sức truy vết, xét nghiệm, mà bỏ quên “vùng xanh”. Trong khi, để có thể dập được dịch “vùng đỏ” phải có “vùng xanh” thật vững chắc.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, phải bảo vệ vững chắc các "vùng xanh", hình thành "vành đai xanh" |
Thời gian gần đây, tại TP.HCM và các địa phương khu vực phía nam đã chú ý hơn đến việc giữ vững các “vùng xanh”. Ngoài việc lãnh đạo cấp tỉnh chỉ đạo bên dưới xác định và giữ bằng được vùng xanh, một số địa phương đã rất sáng tạo để hình thành “vùng xanh”. Phó Thủ tướng yêu cầu, bây giờ nơi nào còn xanh thì phải giữ cho chắc.
Về việc áp dụng Chỉ thị 16 ở các tỉnh phía Nam trong 20 ngày qua, nhưng số lượng các ca bệnh chưa giảm, thậm chí một số nơi vẫn tiếp tục tăng, theo Phó Thủ tướng, nếu các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nghiêm ngặt ở tất cả các cấp độ, tình hình dịch bệnh sẽ không tăng lên. Do vậy, nguyên nhân chính là do bên dưới vẫn có những chỗ chưa thật sự giãn cách xã hội giữa người với người, nhà với nhà...
“Nếu làm nghiêm, sau khoảng 2 tuần, chúng ta đã thấy kết quả tương đối rõ rệt và thường sau tuần thứ 3 hoặc thứ 4, chúng ta sẽ kiểm soát tốt. Còn nếu thực hiện không nghiêm, dịch sẽ tiếp tục kéo dài. Hoặc làm thật chặt, thời gian giãn cách xã hội rất ngắn, nhưng nếu làm lỏng thì không có cách nào khác, chúng ta phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội và lúc đó kinh tế sẽ thiệt hại, người dân sẽ rất mệt mỏi”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Trong các chuyến đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Bình Phước, Sóc Trăng, Bến Tre và một số tỉnh khu vực nam sông Hậu, Phó Thủ tướng cho rằng, nếu các cấp ủy, chính quyền, người dân cùng quyết tâm làm thật nghiêm, trong những ngày còn lại thực hiện giãn cách xã hội, có thể kiểm soát tốt tình hình.
Cũng theo Phó Thủ tướng, kiểm soát tốt dịch bệnh không có nghĩa sẽ không còn ca bệnh, nhưng dịch bệnh tại những điểm nóng sẽ được khoanh lại, vây bằng nhiều lớp. Cả khu vực này hoàn toàn có thể hình thành một vùng xanh để làm hậu phương, tiếp tục kiểm soát dịch bệnh ở TP.HCM và các vùng lân cận.
Không để đình trệ hoạt động kinh tế
Về những khó khăn, thách thức khi phải duy trì sản xuất trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, “mục tiêu kép” đã được xác định từ khi bắt đầu có dịch. Chúng ta luôn phải cân đối, làm sao thực hiện tốt được cả 2 mục tiêu. Ông phân thích, khi có một ổ dịch nếu giãn cách ngay cả tỉnh hay toàn quốc thì chống dịch sẽ dễ hơn, song mục tiêu phát triển kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Còn nếu cố gắng giãn cách quy mô thật hẹp thì chống dịch sẽ vất vả hơn, nhưng những thiệt hại về kinh tế nếu chúng ta chống được dịch sẽ ít hơn.
Phó Thủ tướng yêu cầu không để bị đình trệ tất cả hoạt động kinh tế, sản xuất (Ảnh: VGP) |
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu kép, chúng ta đã cố gắng ở mức cao nhất để kiểm soát được dịch, không để ảnh hưởng trên mức cần thiết đối với kinh tế, nhưng trước hết phải bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Trên toàn quốc chúng ta không để bị đình trệ tất cả hoạt động kinh tế, sản xuất. Nếu phải giãn cách ở khu vực này thì vẫn còn những khu vực khác làm hậu phương hỗ trợ, chi viện. Không để đứt gãy toàn bộ chuỗi cung ứng.
Thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 có gây ách tắc về sản xuất, lưu thông hàng hoá, làm đời sống của người dân bị ảnh hưởng, sinh hoạt bị xáo trộn. Song, làm nghiêm trong một thời gian ngắn còn hơn là làm không chặt, không nghiêm và để dịch tiếp tục lây lan dai dẳng thì sẽ rất khó khăn cho công tác chống dịch, Phó Thủ tướng lưu ý.
Theo đó, Phó Thủ tướng cho rằng có thể chia làm 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là đối với các tỉnh vùng Nam sông Hậu, Sóc Trăng, Bến Tre, Bình Phước thì phải hạ quyết tâm khi kết thúc thời gian thực hiện Chỉ thị 16 sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh trên quy mô từng tỉnh và cả khu vực. Kiểm soát tốt không có nghĩa không còn ca mắc mới, mà phải củng cố vững chắc vùng xanh trong từng tỉnh, dồn gọn các ổ dịch, khoanh nhiều lớp. Cả khu vực hình thành một “vành đai xanh” vững chắc. Lãnh đạo địa phương đều rất quyết tâm, nỗ lực nhiều hơn nữa trong 10 ngày tới.
Nhóm thứ 2 là một số tỉnh còn lại (trừ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An) quy mô “vùng đỏ” lớn hơn, quyết tâm 20 ngày nữa cũng phải kiểm soát tốt dịch bệnh, khoanh vùng nhiều lớp, nhiều vòng đối với các ổ dịch.
Nhóm thứ ba là các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An phải cố gắng kiểm soát dịch vào cuối tháng 8, muộn nhất là đến giữa tháng 9 phải cùng với TP.HCM kiểm soát được dịch.
Riêng TP.HCM, theo Phó Thủ tướng, nếu vắc xin phòng Covid-19 về đủ thì cố gắng tiêm hết cho người dân; giữ vững và mở rộng được các “vùng xanh” bên trong. Đồng thời khôi phục lại hoạt động sản xuất và đi lại của người dân một cách có điều kiện. Khi đó tại thành phố sẽ thiết lập trạng thái bình thường mới khác với các khu vực còn lại của đất nước và giống như một số nước mở cửa dần trở lại sau khi đã bị lây nhiễm rất nặng, đạt được miễn dịch cộng đồng.
"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".
Hà Giang