- “Không đồng chí nào được đánh giá 100% tuyệt vời, xuất sắc nhưng cũng không có đồng chí nào cả năm làm việc tận tụy, trách nhiệm mà lại bị đánh giá yếu kém”.
>> Bỏ phiếu tín nhiệm cần chuẩn bị người thay thế
>> Đừng lo bỏ phiếu làm cán bộ 'chết oan'
Đây là kết luận của Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị về kết quả lấy phiếu tín nhiệm cán bộ, lãnh đạo chủ chốt chiều nay (8/11).
Cùng với Bí thư, các phó Bí thư Thành ủy, BCH đảng bộ Hà Nội đã thí điểm lấy phiếu tín nhiệm với Chủ tịch, phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch và các phó Chủ tịch UBND TP, tổng cộng 20 chức danh.
Tiêu chí để các thành ủy viên cân nhắc khi điền vào lá phiếu là năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao và phẩm chất tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cá nhân cán bộ.
Với hình thức bỏ phiếu kín, “phương thức đánh giá cán bộ sẽ bảo đảm dân chủ, công khai và minh bạch hơn”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nói.
“Người tham gia đánh giá không ngại bị va chạm, mất lòng, tránh được tình trạng nể nang, xuôi chiều, đồng thời không sợ bị trù úm, định kiến nên việc đánh giá sẽ khách quan, thực chất hơn”, ông Nghị nhận định.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Người tham gia đánh giá không sợ bị trù úm. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Trên mẫu phiếu có ba mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Kết quả lấy phiếu của lần thí điểm này sẽ được công khai đến những đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm và 75 thành viên BCH đảng bộ TP.
Tuy nhiên, do có 6 thành ủy viên vắng mặt nên số phiếu được lấy hôm nay chỉ là 69. Người điền phiếu có thể ghi tên mình hoặc không. Ban kiểm phiếu có mặt phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Thành ủy, Giám đốc Sở Nội vụ, Chánh Thanh tra nhà nước TP…
Bí thư Phạm Quang Nghị cho biết thông qua kết quả thực hiện thí điểm, thành phố sẽ phân tích, rút kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện quy trình, thủ tục trước khi nhân rộng và thực hiện thường xuyên hàng năm trong toàn thành phố.
Các chức danh sẽ được Thành ủy lấy phiếu tín nhiệm tiếp theo là Giám đốc, phó Giám đốc 7 sở: Nội vụ, Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch - Đầu tư, Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng, Lao động - Thương binh - Xã hội và Công an TP.
Thành ủy Hà Nội cũng sẽ tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu khi Nghị quyết QH về vấn đề này có hiệu lực. “Như vậy, nhiều đồng chí sẽ được đánh giá hai lần hoặc hơn”, ông Nghị nói.
Yêu cầu các thành ủy viên “sử dụng đúng đắn quyền dân chủ của mình”, Bí thư Hà Nội cũng lưu ý “tránh tình trạng lợi dụng việc đánh giá để lồng động cơ cá nhân không đúng đắn, vận động người khác nhận xét tốt cho mình hoặc nhận xét không tốt cho cán bộ khác”.
Thành ủy Hà Nội cam kết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nếu bị phát hiện.
Theo ông Phạm Quang Nghị, ý nghĩa quan trọng của việc làm “mới và khó” này là một cách đánh giá cán bộ khác hẳn từ trước đến nay.
“Việc nhận xét, phân loại cán bộ, đảng viên hàng năm tuy có điểm tích cực là ổn định, nhưng các tiêu chí không còn phù hợp thực tiễn, chung chung, chưa có tiêu chí riêng cho những người làm lãnh đạo, quản lý, còn nặng về hình thức, chưa phản ánh đúng thực chất”, ông Nghị nói.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ là kênh thông tin quan trọng, cùng với các nguồn thông tin khác, để đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác, phát huy dân chủ trong Đảng, phát huy vai trò giám sát của tập thể và cá nhân đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là những cán bộ chủ chốt và người đứng đầu các địa phương, đơn vị, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Chung Hoàng