Đến hết tháng 9/2021, tổng đàn gia cầm của tỉnh Thái Bình ước đạt 14 triệu con, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo của ngành chuyên môn, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn phát triển ổn định.
Mặc dù những tháng đầu năm, trong tỉnh đã xảy ra ổ dịch cúm gia cầm A/H5N8, tuy nhiên đã được khống chế, kiểm soát và xử lý dứt điểm nên sản xuất chăn nuôi vẫn phát triển, đạt kết quả khá. Bên cạnh đó, công tác tiêm phòng vắc xin, giám sát, kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia cầm được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Ý thức người dân trong việc bảo vệ gia cầm trước nguy cơ dịch bệnh nâng cao. |
Đến này, một số huyện đã đạt tỷ lệ tiêm cho gia cầm khoảng 90% như Kiến Xương, Quỳnh Phụ… Các địa phương khác trong tỉnh nỗ lực đẩy nhanh công tác tiêm phòng vắc xin vụ thu - đông 2021 nhằm tăng cường hệ miễn dịch cho đàn vật nuôi.
Để phòng, chống cúm gia cầm, tỉnh Thái Bình đã tích cực tuyên truyền đến nhân dân không chủ quan lơ là, có những biện pháp thiết thực bảo vệ an toàn sinh trưởng đàn gia cầm. Công tác chăn nuôi an toàn sinh học được đẩy mạnh, hoạt động vệ sinh chuồng trại, khử khuẩn, tiêu độc diễn ra thường xuyên tại các trang trại, nông hộ. Ý thức người dân trong việc bảo vệ gia cầm trước nguy cơ dịch bệnh nâng cao.
Ông Trần Văn Vinh (Vũ Thư) cho hay, dịp cuối năm là thời điểm cúm gia cầm và các dịch bệnh nguy hiểm dễ bùng phát. Cách đây mấy năm, gia đình ông từng lao đao khi đàn gia cầm 2.000 con bị chết do nhiễm bệnh.
Những đợt tái đàn, ông áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, lập vòng vây bảo vệ gia cầm, hạn chế người tiếp xúc với khu chuồng nuôi và tiêm đúng, tiêm đủ các liều vắc xin, nguồn giống lựa chọn có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo. Vì thế, ông làm chủ được tình hình khi trong tỉnh có ổ dịch cúm gia cầm. Đàn gia cầm ít hao hụt, lớn nhanh, mang về lợi nhuận cao cho gia đình.
Ông và nhiều hộ chăn nuôi cũng cam kết với địa phương thực hiện “5 không”. Đó là: không thả rông gia cầm, không mua bán gia cầm bị mắc bệnh, không giết mổ gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc, không giấu dịch, không vứt xác gia cầm bừa bãi.
Hiện nay toàn tỉnh có 2.390 trang trại và khoảng 250 nghìn nông hộ chăn nuôi. Trong đó có 96,1% cơ sở chăn nuôi áp dụng ít nhất một biện pháp để xử lý chất thải chăn nuôi như xây, lắp bể Biogas, sử dụng đệm lót sinh học, ủ phân hoặc công nghệ vi sinh kết hợp với thu gom vệ sinh hàng ngày sẽ góp phần hiệu quả giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi gây ra.
Minh Phúc