Chức năng chính của hồ Hoàng Cầu là điều hòa thoát nước mưa cho khu vực, đô thị và tạo cảnh quan chứ không phải là nuôi thả cá.
Liên quan đến xử lý vụ cá chết xảy ra ở hồ Hoàng Cầu, ông Lê Hồng Quân, Trưởng phòng Hạ tầng Kỹ thuật cấp thoát nước (Sở Xây dựng) Hà Nội cho biết: Sở Xây dựng đã có báo cáo sơ bộ về tình hình khắc phục hiện tượng cá chết ở hồ Hoàng Cầu (Hà Nội) gửi UBND TP. Theo đó, ngày 8/6 đã xảy ra hiện tượng cá chết nổi lên mặt hồ gây ô nhiễm môi trường.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Sở Xây dựng cùng Công ty Thoát nước Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện một số công việc ngay trong đêm 8 và sáng 9/6. Đến 1h30 chiều 9/6, các công việc cơ bản đã hoàn thành.
Cá chết nổi trắng hồ Hoàng Cầu |
Ông Lê Hồng Quân nêu rõ: từ 19h30 đến 1h ngày 9/6, lượng cá chết cơ bản được vớt sạch và vệ sinh bờ kè; cá chết khoảng hơn 5 tấn đã được thu gom vận chuyển về khu xử lý CTR Nam Sơn để chôn lấp theo quy định. "Chúng tôi đã đặt 3/5 máy sục khí, ¾ máy phun tơi. Công ty thoát nước tiếp tục cử 10 người ứng trực thường xuyên tại hiện trường và lúc 5h sáng đã bố trí 30 cán bộ, công nhân đi ca nô kiểm tra và vớt cá chết. Đến thời điểm chiều 9/6, nước hồ đã trong, mặt hồ đã cơ bản sạch".
Công ty thoát nước Hà Nội cử 300 công nhân, 12 thuyền+ canô; 6 xe tải cẩu; 10 xe thùng và 4 xe ép rác, 1 xe phản lực và 8 téc nước, 2 máy phát điện; công ty môi trường đô thị cử 30 nhân công, 5 máy sục khí, 4 máy phun tơi và 2 xe ép rác; công ty chiếu sáng gồm 10 công nhân và 7 bộ đèn phá đến để phục vụ công tác khắc phục hiện tượng cá chết.
Nói về các giải pháp sắp tới, ông Quân cho biết: "chúng tôi duy trì hệ thống phun tơi và sục khí cung cấp, tăng lượng ô xy trong nước hồ, kết hợp ứng trực để vớt rác và cá chết. Ngoài ra, chúng tôi còn lắp đặt khoảng 50 bè thủy sinh và từ ngày 11/6 sẽ phun rải chê phẩm sinh học LTH".
Ông Quân cho biết: Hồ Hoàng Cầu là một trong số 13 hồ nằm trong dự án thoát nước của Hà Nội giai đoạn 2 được cải tạo. Có nghĩa là, họ đã đào sâu, nạo vét hết bùn, kè lại hồ, làm lan can xung quanh hồ, kể cả hệ thống công thu gom nước thải xung quanh hồ, không có nước xả trực tiếp vào. Việc cải tạo này vừa hoàn thành xong vào tháng 2/2014.
Cho nên, chức năng chính của hồ là để đảm bảo thoát nước, điều hòa thoát nước mưa cho khu vực, đô thị và tạo cảnh quan chứ không có chức năng nuôi thả cá, nuôi trồng thủy sản. Việc nuôi cá ở hồ là hoàn toàn không đúng với chức năng của nó và khi cá chết nổi ở hồ khiến người dân nghĩ ràng môi trường nước bị ô nhiễm. Và kết luận cá chết do nguyên nhân nào phải chờ kết quả xét nghiệm 13 mẫu nước được lấy đêm 8/6 từ Sở TN&MT và PC49. "Nhưng theo chúng tôi nước thải không chảy trực tiếp vào hồ, bởi chúng ta biết rằng, khi đi qua một hồ có nước thải chảy vào sẽ dễ dàng nhận thấy được ngay bởi mùi hôi của nó. Còn sau khi cá chết mới làm ô nhiễm nước hồ lại là một vấn đề khác cần quan tâm".
Được biết, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với Phòng cảnh sát môi trường (PC49) tiến hành lấy: 13 mẫu nước (gồm 8 mẫu tầng nước mặt, 5 mẫu tầng nước đáy); 3 mẫu trầm tích; 5 mẫu cá các loại để đi xét nghiệm tìm nguyên nhân cá chết.
(Theo VOV)